Trên 11 nghìn lượt khách đến với Lễ hội hoa sim biên giới Móng Cái 2024

Theo báo cáo nhanh từ UBND xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), trong 2 ngày 18 và 19/5, Lễ hội hoa sim biên giới Móng Cái 2024 đã đón trên 11 nghìn lượt khách tới tham quan, tham gia các hoạt động.

Chị Phùn Ngọc Bích, người dân xã Hải Sơn phấn khởi khi từ lễ hội được quảng bá các nét đẹp truyền thống và tham gia làm du lịch. Ảnh: Thu Hằng

Chị Phùn Ngọc Bích, người dân xã Hải Sơn phấn khởi khi từ lễ hội được quảng bá các nét đẹp truyền thống và tham gia làm du lịch. Ảnh: Thu Hằng

Năm 2024, Lễ hội hoa sim biên giới lần đầu tiên được tổ chức rộng khắp trên toàn địa bàn xã với 3 địa điểm tổ chức đồng thời gồm: Trung tâm văn hóa thể thao xã, chợ phiên Pò Hèn và đồi sim Mã Thàu Sơn; nhiều điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn như: Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, cột mốc 1347, chợ phiên Pò Hèn, làng bích họa xóm họ Đặng, đồi sim Mã Thàu Sơn, xóm 26 hộ...

Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, kết hợp với công tác truyền thông mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp, Lễ hội hoa sim biên giới 2024 đã đón trên 11 nghìn lượt khách tới tham quan, tham gia các hoạt động và trải nghiệm những nét đặc sắc từ văn hóa bản địa tới ẩm thực vùng cao.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội hoa sim biên giới năm 2024 cho biết: Thành phố Móng Cái chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn Lễ hội hoa sim với phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, thu hút người dân là chủ thể tham gia đóng góp về nguồn lực, sức lực để triển khai các dịch vụ phát triển du lịch.

Phiên chợ Pò Hèn là điểm nhấn để du khách tới tham quan, mua sắm các sản vật địa phương. Ảnh: Thu Hằng

Phiên chợ Pò Hèn là điểm nhấn để du khách tới tham quan, mua sắm các sản vật địa phương. Ảnh: Thu Hằng

Trong khuôn khổ lễ hội, nhân dân và du khách đã vô cùng hào hứng khi tham gia “chợ phiên Pò Hèn”, chứng kiến màn trình diễn lễ cấp sắc, hát giao duyên của dân tộc Dao và hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, trang điểm cô dâu dân tộc Dao và Sán Chỉ, giã bánh dày; hòa mình vào không khí tuyệt vời của giải bóng đá nữ trong trang phục dân tộc; được thưởng thức ẩm thực mẹt đặc sắc của người đồng bào với cá suối quấn lá lốt, gà nướng mật ong, lợn bản, rau má rừng trộn nộm, rượu sim…

Có thể khẳng định, sau 3 năm tổ chức, Lễ hội hoa sim biên giới đã thực sự đi vào đời sống đồng bào, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng xã Hải Sơn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Chị Phùn Ngọc Bích, người dân xã Hải Sơn chia sẻ: Qua lễ hội, nhân dân được tuyên truyền quảng bá văn hóa đặc sắc, văn hóa ẩm thực, bản sắc của dân tộc. Chúng tôi rất muốn tham gia phát triển du lịch cộng đồng để vừa có cơ hội quảng bá nét đẹp vùng đồng bào, vừa có thêm thu nhập từ du lịch…

Trẻ em trên địa bàn phấn khởi tham gia lễ hội. Ảnh: Thu Hằng

Trẻ em trên địa bàn phấn khởi tham gia lễ hội. Ảnh: Thu Hằng

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh. Hải Sơn có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc sắc về sản vật địa phương; có nhiều điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn, do vậy việc tổ chức Lễ hội hoa sim biên giới và nâng tầm qua các năm là cách để Hải Sơn đến gần hơn với khu vực trung tâm, lan tỏa sức vươn của người đồng bào trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo của thành phố Móng Cái và của tỉnh Quảng Ninh.

Sự thành công của Lễ hội hoa sim biên giới Móng Cái 2024 không chỉ dừng lại ở quy mô, chất lượng, số lượng du khách tới tham dự, tham quan, trải nghiệm, mà cao hơn cả, đó là sự quan tâm hướng tới vùng đồng bào, sự sẻ chia, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc từ nơi địa đầu biên cương Tổ quốc và là cách để bà con ngày càng phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc lấy du lịch dẫn dắt kinh tế, nâng cao thu nhập cho chính bản thân và cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tren-11-nghin-luot-khach-den-voi-le-hoi-hoa-sim-bien-gioi-mong-cai-2024-post476060.html