Trên 1.200 câu lạc bộ thể thao đang hoạt động trong tỉnh

Nhiều người dân tại Lâm Đồng trong những năm gần đây đã tự bỏ tiền để đầu tư sân, làm phòng tập thể dục, thể thao (TDTT) theo chủ trương xã hội hóa, vừa để kinh doanh, vừa để gia đình cùng luyện tập. Từ những sân tập, phòng tập như thế, nhiều câu lạc bộ (CLB) lần lượt ra đời và phát huy vai trò rất tốt trong đời sống người dân ở cơ sở.

Cụm 5 sân của CLB Pickleball Thế Lợi tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng

Cụm 5 sân của CLB Pickleball Thế Lợi tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng

“LÀM SÂN ĐỂ MÌNH CÙNG CHƠI”

Nằm trong khu vực trung tâm thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, khi chúng tôi đến trong một ngày cuối tuần, các sân tại CLB Pickleball Thế Lợi đều đang có rất đông người chơi.

Đây là lần đầu tiên CLB Pickleball Thế Lợi đăng cai Giải cúp Vô địch pickleball Đức Trọng mở rộng 2024 với gần 200 vận động viên (VĐV) trong huyện Đức Trọng và các huyện, thành trong tỉnh như: Đơn Dương, Lâm Hà, Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc… cùng tham dự. Giải đấu nằm trong chương trình hoạt động của huyện Đức Trọng nhằm chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 trong tháng 12/2024 vừa qua. “Sân vừa đưa vào hoạt động chừng 3 tháng, mọi thứ còn rất mới, đây là giải đấu quy mô đầu tiên được tổ chức tại CLB chúng tôi”, ông Nguyễn Đăng Lợi, 58 tuổi, người Liên Nghĩa, Đức Trọng nói.

Bên cạnh công việc, trước đây ông Lợi còn là một VĐV chơi tennis, vận động nhiều nên ông vẫn rất nhanh nhẹn. Ông cho biết, mình giờ lớn tuổi rồi, có đất trong sân nhà nên ông quyết định làm sân thể thao, vừa để kinh doanh vừa để gia đình và ông cùng chơi. “Tôi lúc đầu cũng muốn làm sân ten-nis, tại mình gắn với tennis lâu rồi và rất thích môn thể thao này nhưng sân quần vợt cần vốn đầu tư lớn lắm. Gần đây, pickleball đang phát triển rất mạnh tại Liên Nghĩa, rất đông người chơi nên gia đình quyết định làm sân pickleball. Môn này dễ chơi, nam nữ, lứa tuổi nào chơi cũng được, sân cũng dễ làm hơn sân tennis nhiều”, ông Lợi chia sẻ.

Trên phần đất rộng khoảng 1.000 m2 phía sau nhà, ông Lợi đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để làm 1 cụm gồm 5 sân pickleball liên tiếp nhau, mỗi sân rộng 200 m2 đạt chuẩn thi đấu, sân có đèn thi đấu đêm, một phần sân có mái che di động khi mưa có thể kéo ra. Phía trước nhà ông còn có khoảng sân rộng rãi dành để xe cho khách. Cho đến nay, sau 3 tháng hoạt động, ông Lợi cho biết trung bình mỗi ngày có chừng 50 người đến chơi, từ sáng đến tối khuya, ngày cuối tuần có đông hơn chút. Cứ mỗi sân như vậy cho thuê theo giờ, mỗi giờ 80 ngàn đồng. CLB có huấn luyện viên (HLV) để hướng dẫn cho những người mới muốn học chơi. “Môn này cứ biết chơi bóng bàn hay chơi tennis rồi thì đến học chơi rất nhanh. Mưa nắng đều chơi được, ban đêm có đèn. Ban ngày đi làm về, chiều đến đây tập luyện thể thao nâng sức khỏe nên mọi người xung quanh đến sân rất đông, vừa khỏe, vừa vui. CLB chúng tôi đến nay có một số thành viên có thể thi đấu giao lưu với các CLB khác trong tỉnh được rồi”, ông Lợi vui vẻ.

TIẾP TỤC VẬN ĐỘNG XÃ HỘI HÓA TDTT

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong năm 2024 số lượng CLB, phòng tập TDTT trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân nhiều hơn so với năm 2023. Cụ thể, một con số đưa ra, toàn tỉnh có trên 1.215 CLB TDTT đang hoạt động ở cấp cơ sở, phần lớn trong số này đang hoạt động rất tốt.

Có thể thấy rằng, thông qua chủ trương xã hội hóa TDTT, trong nhiều năm nay, nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra để đầu tư khu liên hợp thể thao tư nhân, các bể bơi, sân quần vợt, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân pickleball, các phòng tập thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, aerobic, yoga, nhà tập bóng bàn, cầu lông, võ thuật... và duy trì rất tốt việc tổ chức các hoạt động dịch vụ TDTT hiện nay.

Hầu hết những điểm tập này đều có HLV hướng dẫn, thành lập các CLB để tổ chức hoạt động. Trong tỉnh có những sân bóng cỏ nhân tạo tư nhân không chỉ một CLB mà có nhiều CLB cùng hoạt động. Tư nhân nên các cơ sở này rất linh hoạt mở cửa trong ngày để phục vụ cho nhu cầu tập luyện của người dân trong vùng. Chính những CLB như thế đã tạo một sức sống cho phong trào TDTT quần chúng, góp phần đa dạng các loại hình TDTT, đáp ứng rất tốt nhu cầu tập luyện của mọi tầng lớp người dân trong cộng đồng.

Điều đáng nói, rất nhiều giải thể thao trong tỉnh những năm gần đây, với sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân, đã được tổ chức hầu như quanh năm. Chẳng hạn như Giải cúp Vô địch pickleball Đức Trọng mở rộng 2024 chào mừng Festival Hoa Đà Lạt 2024 mà chúng tôi nhắc đến ở trên do Công ty TNHH Phát triển Thể dục thể thao Việt Nam tại Đà Lạt phối hợp với CLB Pickleball Thế Lợi - Liên Nghĩa, Đức Trọng tổ chức với sự tài trợ của nhiều cá nhân, tổ chức, tổng chi phí tổ chức giải và giải thưởng cho VĐV lên đến 100 triệu đồng.

Cũng nhờ tài trợ nên các giải đấu xã hội hóa này hầu hết đều có giải thưởng khá cao, có nhiều nội dung tặng thưởng nên thu hút nhiều VĐV đến với giải, tăng thêm tính hấp dẫn của giải đấu. Những giải thể thao xã hội này ngày càng nhiều trong tỉnh, đóng góp tích cực cho TDTT phong trào của tỉnh phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở cơ sở.

Thống kê ngành chức năng tỉnh cho biết, đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao với các môn như yoga, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, golf, bơi, billards, quần vợt, cầu lông, pickleball, dù lượn... Trong đó có 38 doanh nghiệp đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

Cùng đó, các liên đoàn và các hội thể thao cấp tỉnh được củng cố và dần hoàn thiện, hoạt động tương đối hiệu quả, phát triển đến cấp cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 12 liên đoàn trong các môn cờ, bóng đá, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, võ cổ truyền, taekwondo, karate, vovinam, aikido, yoga, và Liên đoàn TDTT Người cao tuổi tỉnh và 2 hội thể thao cấp tỉnh (Golf, Judo).

Theo đánh giá, nhờ hoạt động tích cực của các CLB trong tỉnh, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh có bước phát triển mới trong năm 2024, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 37,2% dân số, số gia đình thể thao đạt 29,6%. Mục tiêu trong năm 2025 này, ngành chức năng tỉnh phấn đấu nâng số CLB TDTT, số cơ sở hoạt động TDTT lên mức cao hơn, đồng thời nâng số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên lên 37,5% dân số; số gia đình thể thao đạt 29,7%.

Trong năm 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TDTT, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, HLV, hướng dẫn viên, trọng tài; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị tập luyện và thi đấu các môn thể thao từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở. Đặc biệt, ngành chức năng cũng sẽ tiếp tục vận động các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tài trợ tổ chức các hoạt động TDTT để đưa phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/the-thao/202501/tren-1200-cau-lac-bo-the-thao-dang-hoat-dong-trong-tinh-12724cd/