Trẻ em vùng tị nạn bất chấp mọi thách thức để học online
Trường học đóng cửa vì dịch, trẻ em những vùng bất ổn xã hội thiếu thốn khi học online. Họ không có kết nối Internet để tham gia học trực tuyến.
Trước khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc học của 1,6 tỷ trẻ em trên thế giới, hàng triệu trẻ tị nạn không có cơ hội tiếp xúc môi trường học đường. Gần một nửa số lượng trong độ tuổi đi học được đến trường, trong đó 25% học đến cấp 2.
Nỗ lực trong việc mở rộng nền giáo dục cho trẻ em tị nạn đang bị đe dọa do dịch bệnh đóng cửa trường học trong thời gian dài.
"Sự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ mở rộng”
“Sự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ mở rộng”, Rebecca Telford, giám đốc ban giáo dục Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), cho biết. Bà thông tin tuy nhiều quốc gia nhanh chóng triển khai việc học trực tuyến, nhưng ít trường hợp đảm bảo trẻ em tị nạn được tiếp cận hình thức học này.
“Thử thách nằm ở việc tiếp cận, mọi người không có thiết bị như điện thoại hay máy tính. Các gia đình không đủ điều kiện chi trả phí dữ liệu”, bà nói. Nhiều trại tị nạn đặt ở những vùng hẻo lánh không thể tiếp cận sóng FM từ đài radio quốc gia, không thể nghe các bài giảng phát thanh.
Từ khi trường học đóng cửa ở Jordan vào tháng 3, ông Mustafa và bà Sherin, những người tị nạn từ Syria sống ở Đông Amman, phải lên lịch trình nhằm đảm bảo 5 đứa con của mình đều có cơ hội sử dụng TV và điện thoại duy nhất của gia đình để làm bài tập.
Bộ Giáo dục Jordan phát sóng các lớp học trên TV và các công ty di động cung cấp dữ liệu miễn phí để tiếp cận các nền tảng học trực tuyến. Tuy nhiên, Mustafa cho biết ông phải mua thêm dữ liệu cho ứng dụng WhatsApp giáo viên sử dụng để gửi video. Chi phí dữ liệu phát sinh buộc gia đình cắt giảm những khoản phí sinh hoạt khác.
43% người Syria tị nạn ở Jordan không có kết nối Internet ở nhà và 46% cho biết con cái của họ không thể tiếp cận việc học trực tuyến của Chính phủ.
Bên cạnh việc thiếu thiết bị, trẻ em tị nạn còn gặp khó khăn vì gặp rào cản ngôn ngữ do bị lỡ các lớp hỗ trợ bổ sung như lớp học ngôn ngữ được cung cấp ở trường, theo Borislav Grozdanov, cộng tác viên UNHCR ở Bulgaria.
Luis, hiệu trưởng một trường học ở Tegucigalpa, phải đối mặt với vấn đề các băng đảng khủng bố lợi dụng trường học bỏ trống làm trụ sở hoạt động. Ông lo sợ họ sẽ không trả lại sau khi dịch kết thúc.
“Không chỉ để học, đây còn là nơi các em trưởng thành”
Ở những nơi bất ổn xã hội, việc cho trẻ em đến trường là điều cốt yếu trong việc ngăn chặn bạo lực và di dời mới. Tại khu vực thành thị của Honduras, trẻ em thường bị lôi kéo vào các băng đảng tội phạm hoặc trở thành mục tiêu của chúng, trường học là một trong số ít nơi các em cảm thấy an toàn.
“Trung tâm học vấn không chỉ để học mà còn là nơi các em trưởng thành”, Babu Nisa, trợ lý giảng dạy tại trung tâm học vấn một trại tị nạn, chia sẻ.
Cô tâm sự: “Các em tận hưởng thời gian, thưởng thức đồ ăn vặt cùng với việc học. Trại tị nạn là một nơi đông đúc, tắc nghẽn. Điều kiện sống trong các nhà tạm trú không phù hợp để học tập”.
Cô thông tin mọi người luôn động viên, thúc đẩy để các em không mất hy vọng. Các em thích học nhưng điều kiện ở nhà không đảm bảo vì nhiều phụ huynh không thể giúp con do không biết chữ.
Robert Kinyanjui, giáo viên trung học ở trại Kenya Dadaab, cho biết các giáo viên sử dụng nhiều phương pháp đảm bảo việc học tiếp tục, bao gồm thực hiện giảng dạy qua các nhóm WhatsApp, đài phát thanh cộng đồng hoặc thậm chí ghi âm.
Robert thông tin học sinh ở trại luôn háo hức học hỏi và tận dụng mọi cơ hội, bất chấp những thách thức.
Hội Phụ nữ tị nạn và Hội Chữ Thập đỏ Bulgaria hiện cung cấp máy tính xách tay và máy tính bảng cho các gia đình tị nạn. Tổ chức phi chính phủ Caritas Sofia cung cấp các khóa học ngôn ngữ trực tuyến.
Cùng với việc phát triển và cung cấp tài liệu học tập, UNHCR hiện làm việc với Chính phủ các quốc gia và đối tác phi chính phủ để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh khi trường học đóng cửa.