Trao đổi thêm về bài viết: Từ chuyện... xử phạt cả trò lẫn thầy

LTS: Tuần trước, liên quan các nội dung trong dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Thời báo Kinh tế Sài Gòn có đăng bài viết của tác giả Thuận Truyền tựa đề: Từ chuyện... xử phạt cả trò lẫn thầy. Sau đó, tòa soạn nhận được bài viết của TS. NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG, một nhà giáo đang công tác tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, bàn thêm về các mối quan hệ liên quan đến học đường hiện nay. Xin giới thiệu đến bạn đọc.

Việc định lượng như thế nào về những vi phạm của giáo viên gần đây cần khảo sát, điều tra đầy đủ. Ảnh: TL

1. Quan hệ trong nhà trường đang có sự thay đổi nhưng các bên chưa thích nghi. Sự giao thoa (cần có) giữa giá trị truyền thống và phát triển vốn có tính quy luật nhưng đến chậm và với các mức độ khác nhau ở mỗi nhà trường, dẫn đến mâu thuẫn giữa thầy với thầy, thầy với trò, trò với trò, thầy với phụ huynh, phụ huynh với phụ huynh. Đó là chưa nói đến mâu thuẫn nội tại mỗi người trong quá trình trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia dạy học, giáo dục. Khi quán tính cũ chưa bị rũ bỏ thì khó tránh khỏi những sai phạm, do vô tình và cả do chủ ý từ các bên trong nhà trường. Đòi hỏi “thực hành đầu tiên trong chính nhà trường” đối với những tinh thần như “tiên học lễ, hậu học văn”, “tôn sư trọng đạo” như tác giả viết, suy cho cùng là cách gây khó cho người trong cuộc, vô hình trung tạo áp lực cho nhà trường.

2. Việc định lượng như thế nào về những vi phạm của giáo viên gần đây cần khảo sát, điều tra đầy đủ. Có thể thấy một vụ việc xấu xảy ra ở lớp, ở trường (và có thể là ở bên ngoài nhà trường nhưng người gây ra do nhà trường quản lý) lập tức được lan đi bằng nhiều phương thức. Trong khi đó, nếu so sánh với những cố gắng của nhiều người nhằm giữ cho nhà trường ổn định, thì những vi phạm của giáo viên thuộc về số ít. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là để ngăn chặn, không phải “răn đe”.

3. Trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, ở thời kỳ nào hay ở bất kỳ quốc gia nào, phụ huynh luôn có vai trò quan trọng. Ở góc độ sử dụng dịch vụ giáo dục, phụ huynh là khách hàng. Đáp ứng yêu cầu của phụ huynh là cơ sở để giáo dục đề ra mục tiêu, biện pháp và là động lực của giáo dục.

Sự đóng góp hiện nay của phụ huynh cho nhà trường, trong nhiều trường hợp, là do phụ huynh sử dụng thêm những dịch vụ không có trong hoạt động chính khóa. Đã có một sự không rạch ròi hoặc cố tình lập lờ, chẳng hạn khi tan học, cô đưa cháu về tận nhà là do nhu cầu của phụ huynh do họ không có thời gian đưa đón con em mình. Phí phục vụ này ngay ở Mỹ cũng có và khá đắt.

Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, có một phụ huynh tại TPHCM đòi bỏ hội phụ huynh. Ngay lập tức, một cuộc tranh luận đã nổ ra. Rốt cuộc, hội phụ huynh vẫn tồn tại để đồng hành với nhà trường. Nên trong mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường mà cho rằng “phụ huynh đang ở thế yếu” thì chỉ là tiếp cận về hình thức.

Mới đây, Hà Nội có nhiều chủ trương thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước, như “đồng phục” trụ sở cơ quan phường, xã; như chuyện sữa học đường... Nếu nhìn các vụ việc một cách toàn cục, chúng ta dễ nhận thấy ý kiến phản biện của các nhóm liên quan đã khiến nhà quản lý phải thay đổi. Một khi làm chưa đúng, chủ quan, nhập nhằng lợi ích riêng - chung thì dù là ai, thuộc bên nào, họ đều là thế yếu.

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279887/trao-doi-them-ve-bai-viet-tu-chuyen-xu-phat-ca-tro-lan-thay.html