Tranh luận về 'Lễ Tết kiểu Tây' ở Trung Quốc
Dịp Giáng sinh năm nay, một bản 'Thông tri về việc cấm tổ chức lễ hội nước ngoài' do Phòng Giáo dục huyện Dung An, khu tự trị Quảng Tây chính thức ban hành đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet.
Bản “Thông tri về việc quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc và cấm lễ hội nước ngoài” đã được Phòng giáo dục huyện Dung An gửi tới các trường tiểu học, trung học và mẫu giáo ở địa phương và được ai đó đăng tải lên mạng.
Thông tri nêu rõ, các lễ hội phương Tây mang đậm màu sắc tôn giáo như đêm Noel và lễ Giáng sinh “hiện được một số người trẻ tuổi ở Trung Quốc săn đón và các doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này để tạo thanh thế, gây bầu không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền văn hóa truyền thống của nước ta (Trung Quốc)”.
Do đó, phòng giáo dục của huyện này đã tuyên bố “nghiêm cấm các giáo viên và học sinh tổ chức các hoạt động chào mừng các loại “dương tiết” (lễ hội nước ngoài) khác nhau ở trong lẫn ngoài khuôn viên trường” và hy vọng tất cả giáo viên, công nhân viên và học sinh “tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của trung ương để trở thành một điển hình mẫu mực kế thừa và tiếp nối những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Trung Hoa”. Thông tri cũng cung cấp số điện thoại của Cục Công an huyện để khuyến khích người dân tố giác về những hoạt động đêm Noel và lễ Giáng sinh.
Thông tin và hình ảnh về văn bản thông tri này được đưa lên mạng đã lập tức gây nên tranh cãi sôi nổi. Trước hết, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về tính chân thực của nó bởi xưa nay những lệnh cấm kiểu này thường chỉ là chỉ thị miệng mà không có văn bản.
Đáp lại, Phòng Giáo dục huyện Dung An đã xác nhận tính xác thực của tài liệu này với trang “ctdsb.net” (Jimuxinwen), nói bản thông tri này là tài liệu nội bộ của hệ thống. Phòng Giáo dục huyện Dung An nêu rõ: “Mục đích của tài liệu là nhằm quảng bá văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc. Có thể là hơi quá khi chúng tôi sử dụng từ “nghiêm cấm”, khiến dư luận dậy sóng”.
Phòng Giáo dục huyện Dung An cũng nói thêm: “Văn bản này chỉ liên quan đến đêm Noel và lễ Giáng sinh, không nhằm vào những lễ hội phương Tây khác. Nếu có vấn đề liên quan đến tín ngưỡng cá nhân, thì có thể được tổ chức ở quy mô nhỏ”.
Một trường mẫu giáo địa phương ở huyện này tiết lộ với giới truyền thông rằng họ đã nhận được thông tri này, sẽ thực hiện nghiêm túc, đồng thời bày tỏ rằng họ đã ngừng tổ chức các lễ hội phương Tây và các hoạt động của trường chủ yếu là các lễ hội truyền thống của Trung Quốc.
Sự việc này đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa các cư dân mạng trên mạng Weibo. Có ý kiến cho rằng đây không phải là không cho phép mọi người dự các lễ hội, mà là “không được mang chúng vào trong hệ thống ngành giáo dục”.
Một số cư dân mạng lại cho rằng: “Nếu chúng ta muốn quảng bá văn hóa truyền thống và tẩy chay các lễ hội nước ngoài, xin hãy đổi các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên Tiêu (Lễ hội Đèn lồng), Tết Thất tịch, Tết Trùng Dương, Tết Hàn Thực, Tết Trung Nguyên...thành ngày lễ tết được nghỉ hợp pháp”. Lại có người chủ trương “Hy vọng nhà nước sẽ mạnh tay cấm nốt Tết Tây (Dương lịch), chỉ ăn Xuân Tiết (Tết âm lịch) thôi…”.
Các tranh cãi về việc tẩy chay các ngày lễ tết nước ngoài vốn đã có từ trước ở Trung Quốc. Năm 2020, một nhà quản lý ký túc xá của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã bị sinh viên phản đối vì đã tặng chocolate cho sinh viên trong ký túc xá nhân ngày Lễ tạ ơn. Tuyên bố chính thức được nhà trường đưa ra sau đó cũng đề cập rằng “Nhà trường không chủ trương quảng bá các lễ hội phương Tây mang màu sắc tôn giáo trong khuôn viên trường”.
Ngoài ra, chương trình tạp kỹ “Star Detective” (Minh tinh đại trinh thám) do kênh truyền hình giải trí được ưa thích “Mango TV” phát sóng năm ngoái cũng bị khán giả phát hiện toàn bộ những đồ trang trí Giáng sinh trên màn hình đều bị xử lý làm mờ.
Ngược dòng lịch sử thấy trào lưu “Tẩy chay lễ hội nước ngoài”, ngay từ năm 2006, đã được các nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đề xướng, cho rằng cần chống lại sự bành trướng của văn hóa phương Tây ngoại lai, để mọi người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của trào lưu “phục hưng văn hóa truyền thống”. Vào dịp Noel, trên các cơ quan truyền thông xuất hiện hình ảnh một số người mặc “Hanfu” (Hán phục - trang phục thời nhà Hán) hoặc quần áo kiểu trong phim cổ trang mang biểu ngữ “Người Trung Quốc không ăn tết Tây”, hô hào tẩy chay lễ Giáng sinh.
Cũng có ý kiến cho rằng, người Trung Quốc coi Khổng Tử là “Thánh nhân”, vì vậy ngày tết “Thánh đản” (tên Trung Quốc của lễ Giáng sinh) nên lấy ngày sinh của Khổng Tử, tức ngày 28 tháng 9. Ngoài ra, ở nhiều nơi, trong các đám cưới, cô dâu chú rể không mặc quần áo và trang điểm kiểu Tây, đi xe hoa nữa; mà đổi thành trang phục truyền thống, đi kiệu do người khiêng.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, trong thời đại hiện nay, nên thực hiện đa nguyên văn hóa, không nên tẩy chay cực đoan văn hóa nước ngoài, cần tiếp thụ những nét tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, cũng như cần phá bỏ những hủ tục trong văn hóa truyền thống.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tranh-luan-ve-le-tet-kieu-tay-o-trung-quoc-post1404457.tpo