Tranh luận Trump-Biden: 5 điểm nhấn trong lần chạm trán đầu tiên
Cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden là tâm điểm của nước Mỹ và cộng đồng quốc tế ngày 29/9. Bình luận của TG&VN.
Tối ngày 29/9, cuộc tranh luận Trump-Biden đã diễn ra nảy lửa tại Trung tâm giáo dục Samson Pavilion thuộc trường Đại học Case Western Reserve tại thành phố Cleveland, bang Ohio. Sau đây là một số điểm nhấn đáng chú ý trong cuộc tranh luận vừa qua.
Đạn lên nòng
Đầu tiên, cả hai ứng cử viên đã có sự chuẩn bị kỹ cho “cuộc chiến” lần này.
Cố vấn của ông Trump cho biết Tổng thống đã xem lại đoạn tranh luận cũ của ông Biden, đặc biệt là cuộc tranh luận giữa cựu Phó Tổng thống năm 2008 và đối thủ của ông khi đó, cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin.
Còn ông Biden thì đã xem lại những đoạn phim cũ của ông Trump từ các cuộc tranh luận sơ bộ năm 2016 và các cuộc tranh luận chính với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Thậm chí, ông Biden được cho là đã thảo luận với bà Clinton về cuộc tranh luận trong cuộc trò chuyện riêng.
Ngoài ra, hai ứng cử viên đều dành nhiều thời gian nghiên cứu về đối phương, tìm “tư liệu” để khai thác điểm yếu lẫn nhau trong cuộc tranh luận.
“Nước Mỹ trên hết”
Thứ hai, các chủ đề chính trong cuộc tranh luận tập trung vào nhiều vấn đề nội bộ của nước Mỹ như bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao, phòng chống đại dịch Covid-19, nỗ lực khôi phục nền kinh tế, chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare, sắc tộc và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử.
Bức tranh tương phản
Thứ ba, lập trường, cách đối đáp của hai ứng cử viên Tổng thống thể hiện sự tương phản rõ rệt.
Cụ thể, trong vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao, ông Trump nhấn mạnh ông có quyền và sẽ đưa bà Amy Coney Barrett vào vị trí này trước tháng 11, đồng thời khẳng định mình đã lấp đầy các vị trí thẩm phán còn trống sau khi sự ra đi của nhiều thẩm phán thời ông Barack Obama.
Trong khi đó, dù nhận định đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao “có vẻ là một người rất ổn”, song ông Joe Biden cho rằng việc bổ nhiệm không nên diễn ra trước bầu cử, nghi ngại bà Barrett có thể chấm dứt chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare với lý do “vi hiến”.
Về vấn đề ứng phó đại dịch Covid-19, ông Biden cho rằng đương kim Tổng thống nhận thức rõ sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 từ tháng 2, song lại “không có kế hoạch” để ứng phó, đồng thời đề cao khả năng giải quyết khủng hoảng của bản thân một khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Trong khi đó, ông Trump khẳng định quyết định hạn chế hành khách Trung Quốc nhập cảnh từ cuối tháng 1 đã “cứu hàng triệu sinh mạng” và một lần nữa quy trách nhiệm “Covid-19 là lỗi của Trung Quốc”, điều ông nhiều lần lặp lại thời gian qua. Tổng thống Mỹ cũng có lời xoa dịu khi khen ngợi nỗ lực “phi thường” của các thống đốc bang, cho dù chính ông từng chỉ trích họ.
Khi được chất vấn về thời điểm có vaccine Covid-19, ông Trump khẳng định đã trao đổi với các công ty dược và Mỹ sẽ có vaccine “sớm hơn rất nhiều”, đồng thời tố cáo ông Biden sẽ “chính trị hóa” vaccine Covid-19 thay vì cứu sống người khác.
Trước đó, ông Trump từng nói Mỹ sẽ có vaccine trước ngày bầu cử, trái ngược với phát biểu của giới chức y tế liên bang rằng nghiên cứu chỉ hoàn tất vào năm sau.
Đáp lại, ông Biden nghi ngờ về tính xác thực trong các tuyên bố này khi ông Trump từng kêu gọi người dân Mỹ uống chất khử trùng.
Khi được hỏi về các nỗ lực khôi phục nền kinh tế, ông Trump khẳng định ông Biden “sẽ đóng cửa toàn bộ đất nước”, “người dân cần doanh nghiệp của họ mở cửa”, với hàm ý rằng chỉ ông mới có thể duy trì sự tăng trường của nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, ông Biden duy trì quan điểm rằng nền kinh tế chỉ khôi phục khi đại dịch Covid-19 được giải quyết và với tình hình hiện tại, chỉ có những tỷ phú như Tổng thống Trump hưởng lợi.
Tất nhiên, phân biệt chủng tộc, chủ đề nóng tại nước Mỹ hiện nay, đã xuất hiện trong tranh luận. Ông Trump bảo vệ quyết định hủy bỏ chương trình đào tạo chống phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát, chỉ trích ông Biden ủng hộ đạo luật năm 1994 xử lý nặng tội phạm ma túy, cáo buộc ông đối xử với người da màu “tệ bạc như cách ông ấy đối xử với bất kỳ ai trong quốc gia này.”
Còn ông Biden cho rằng ông Trump đã khiến “thù hận, chia rẽ sắc tộc” gia tăng và không làm gì cho cộng đồng người Mỹ da màu.
Cuối cùng, khi được hỏi về cam kết bình tĩnh và không tuyên bố thắng cử cho đến khi kết quả bầu cử độc lập được công nhận, ông Trump đã bỏ ngỏ, khẳng định rằng ông quan ngại về tình hình gian lận trên diện rộng.
Trong khi đó, ông Biden cam đoan sẽ không tuyên bố thắng cử sớm, khẳng định mọi phiếu bầu phải được kiểm.
Lời qua tiếng lại
Thứ tư, một điểm nổi bật khác trong cuộc tranh luận lần này là những đòn công kích cá nhân lẫn nhau của ông Trump và ông Biden. Dường như cuộc chiến truyền thông giữa hai nhân vật này tái diễn trực tiếp trên truyền hình.
Ông Trump liên tục ngắt lời người điều phối Chris Wallace để chế giễu phát biểu của ông Biden, thậm chí tiến hành tấn công cá nhân ông Biden và con trai. Theo đó, ông cho rằng Hunter Biden dã tiến hành giao dịch kinh doanh mờ ám ở Ukraine, kiếm hàng triệu USD nhờ ghế trong công ty năng lượng Ukraine trong thời gian bố mình tại vị và nhận tiền của cựu Thị trưởng Moscow.
Ông Biden rõ ràng đã có sự chuẩn bị khi đáp trả không hề kém cạnh, đôi lúc còn kêu ông Trump “im lặng đi” hay gọi ông chủ Nhà Trắng là “gã hề” hay “con rối của Putin”.
Người Mỹ nói gì?
Thứ năm, người Mỹ đã có phản ứng “lạ” với cuộc tranh luận này
Sau khi cuộc tranh luận kết thúc tối ngày 29/9, thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó chỉ số S&P500 mất 0,5%, Nasdaq Composite chốt phiên giảm 0,3%. Tuy nhiên, điều này có thể phản ánh lo ngại của nhà đầu tư với dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hơn là với cuộc tranh luận.
Tuy nhiên, phần lớn người dân Mỹ được hỏi cho rằng cuộc tranh luận truyền hình vừa qua là “một mớ hỗn loạn”, khi xen lẫn giữa câu hỏi và trả lời là hàng loạt hành động công kích cá nhân, ngắt lời, chỉ trích, thay vì cung cấp cho cử tri thông tin cần thiết để đưa ra quyết định của mình.
Với kinh nghiệm từ lần tranh luận này và phản ứng không mấy tích cực của cử tri, cuộc tranh luận truyền hình lần thứ hai giữa hai ứng cử viên Tổng thống vào ngày 15/10 vì thế có thể căng thẳng, gay gắt song cũng thú vị và đáng để chờ đợi hơn bao giờ hết.