Tranh luận trên mạng xã hội không phải việc vô nghĩa

Tác giả Lang Minh chỉ ra rằng những cuộc tranh luận trên mạng xã hội không mang lại kết quả cụ thể vẫn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tư duy phản biện.

 Phản biện như một chuyên gia là cuốn sách nói về những cách thức phát triển lập luận. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Phản biện như một chuyên gia là cuốn sách nói về những cách thức phát triển lập luận. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Những cuộc tranh luận về vấn đề bảo tồn di sản chùa Cầu (Hội An) hay việc võ sĩ bị nghi chuyển giới tại Olympic, dù không đi đến một kết quả cụ thể, nhưng chúng vẫn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và xã hội.

Vai trò của tư duy phản biện

Theo tác giả cuốn sách Phản biện như một chuyên gia, những cuộc tranh luận trên mạng xã hội thường rất căng thẳng và đôi khi còn phức tạp hơn ngoài đời thực. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các tranh luận này thường xoay quanh những vấn đề quan trọng như di sản văn hóa, quyền con người, và các giá trị xã hội. Đôi khi các cuộc tranh luận này không đi đến đâu, chúng vẫn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và xã hội.

“Chúng ta cần học cách tham gia tranh luận một cách bình tĩnh và biết điểm dừng, tránh để mình cuốn vào vòng xoáy tranh cãi không có hồi kết. Sự khác biệt về quan điểm là điều tất yếu, nhưng quan trọng là chúng ta phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau”, tác giả Lang Minh chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách chiều 3/8.

 Buổi ra mắt sách Phản biện như một chuyên gia, tác giả Lang Minh (bên trái) giao lưu với độc giả. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Buổi ra mắt sách Phản biện như một chuyên gia, tác giả Lang Minh (bên trái) giao lưu với độc giả. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Cuối cùng, tư duy phản biện là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng tri thức cá nhân và cộng đồng. Các cuộc tranh luận, dù có gay gắt, cũng là cơ hội để chúng ta học hỏi và trưởng thành.

Tuy nhiên, khi dành quá nhiều thời gian theo đuổi tranh luận trên mạng xã hội, tư duy phản biện có thể bị yếu đi vì thiếu tính thử thách. Tác giả Lang Minh lý giải rằng mạng xã hội không làm người dùng thông minh hơn mà ngược lại, có thể khiến họ trở nên bảo thủ và ít chấp nhận quan điểm của người khác. Điều này dẫn đến việc nhiều người có xu hướng tương tác với những người có quan điểm giống mình hơn là mở rộng và thảo luận với những người có quan điểm khác.

Từ đó, tác giả nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc rèn luyện tư duy phản biện. Đặc biệt trong bối cảnh thông tin bùng nổ như hiện nay, khả năng phản biện giúp mọi người phát triển tư duy độc lập, không dễ dàng tin tưởng vào mọi thông tin nhận được. Điều này khuyến khích mọi người suy nghĩ sâu hơn, phân tích các khía cạnh khác nhau của vấn đề và đưa ra những kết luận dựa trên căn cứ khoa học và logic.

Nên rèn luyện tư duy phản biện như thế nào?

Trong cuốn sách Phản biện như một chuyên gia, tác giả Lang Minh đã nêu lên một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc giảng dạy và thực hành tư duy phản biện trong cuộc sống hàng ngày. Khái niệm về tư duy phản biện không phải là một thái độ cứng nhắc mà là một kỹ năng cần được rèn luyện và ứng dụng linh hoạt. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và khả năng tranh luận một cách có cơ sở.

Tác giả cũng nhắc đến một số khó khăn mà công chúng Việt Nam gặp phải khi tiếp cận với các bài luận và các vấn đề phức tạp. Nhiều người dường như vẫn chưa quen với việc tranh luận và phân tích sâu sắc, mà thường chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm câu trả lời ngắn gọn và rõ ràng. Điều này phản ánh một phần thực trạng giáo dục tại Việt Nam, nơi mà tư duy phản biện chưa được chú trọng đúng mức và thường chỉ xuất hiện ở một số môi trường giáo dục đặc thù như các trường quốc tế hoặc các cấp học cao hơn.

 Mô hình luận cứ tác giả Lang Minh đưa ra trong cuốn sách.

Mô hình luận cứ tác giả Lang Minh đưa ra trong cuốn sách.

Để hiểu hơn về cách rèn luyện tư duy phản biện, tác giả Lang Minh đưa ra vấn đề "Nên cho trẻ em học IELTS từ lớp 6 hay không?". Ở phía ủng hộ, mọi người lập luận rằng học ngôn ngữ từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, có ý kiến phản biện rằng, nội dung bài thi IELTS phức tạp và yêu cầu kiến thức nền tảng học thuật cao, nên chỉ phù hợp với học sinh từ lớp 10 trở lên. Việc đưa ra các chứng chỉ khác phù hợp hơn với độ tuổi nhỏ hơn cũng được đề xuất.

Sau khi nghe hai ý kiến, tác giả Lang Minh cho rằng những người tranh luận cũng có thể tư duy theo hướng tại sao lại là IELTS chứ không phải chứng chỉ khác, tại sao lại là lớp 6 chứ không phải độ tuổi khác, và ai là người phát ngôn của tuyên bố này. Việc đặt ra những câu hỏi như vậy giúp mở rộng góc nhìn và tránh bị rơi vào bẫy của tư duy hạn hẹp.

Học cách đặt câu hỏi là một phần không thể thiếu của tư duy phản biện. Khi tiếp cận một thông tin mới, luôn tự hỏi "Tại sao?", "Như thế nào?", "Ai?", "Cái gì?", "Ở đâu?", "Khi nào?" để khám phá sâu hơn về vấn đề. Đặt câu hỏi phê phán như "Bằng chứng nào hỗ trợ cho lập luận này?", "Có lập luận phản bác nào không?", và "Lập luận này có điểm yếu nào không?" cũng giúp đánh giá tính hợp lý của thông tin.

Việc thảo luận và tranh luận với người khác cũng là một cách hiệu quả để rèn luyện tư duy phản biện. Khi tranh luận, hãy lắng nghe và cố gắng hiểu quan điểm của người khác, đặt câu hỏi để làm rõ và không ngại thách thức các giả định. Từ nhiều hướng tiếp cận, người phản biện mới đưa ra được một kết luận xác đáng.

Tư duy phản biện là một kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc hiện nay, dù vậy, đây không phải là kỹ năng chỉ có thể sản sinh trong quá trình trải nghiệm và tiếp thu. Để hiểu đúng từ căn bản, người đọc có thể phải tham khảo nhiều tài liệu khác nhau trên các lĩnh vực.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cuoc-tranh-luan-tren-mang-dang-xay-dung-xa-hoi-nhu-nao-post1490013.html