Tranh luận tăng giờ làm thêm: Công chức mới cần tăng?

Công nhân phải vắt sức lao động làm triền miền trong năm, lương lại thấp. Độc giả cho rằng, công chức mới là những người cần tăng giờ làm việc.

Cuộc thảo luận dự án Luật Lao động sửa đổi tại nghị trường Quốc hội về việc có nên hay không nên tăng khung giờ làm thêm trong một năm đối với người lao động thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đóng góp ý kiến của mình trong bài viết "Tăng giờ làm thêm: Chỉ khổ người lao động" đăng tải trên Đất Việt ngày 28/10, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM không tán thành nới khung giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Ông cho rằng, mức lương rất thấp, không đủ sống khiến người lao động buộc phải làm thêm để lấy tiền chi trả cho chi phí sinh hoạt, tiền học hành của con cái... Nhưng đã làm thêm thì người lao động buộc phải quẳng những đứa con của mình vào xã hội, muốn ra sao thì ra vì không có thời gian chăm sóc con cái.

"Chủ nghĩa xã hội là một xã hội lấy quyền lợi và hưởng thụ của đại đa số cộng đồng để làm xuất phát điểm cho những chính sách luật pháp, giờ tăng giờ làm thêm chính là không bảo vệ người lao động", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét.

Phản hồi về bài viết này, nhiều độc giả đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Lê Ninh. Theo độc giả Hoàng Long, tăng thời gian làm thêm đồng nghĩa với việc con cái phải gửi thêm giờ, như vậy người lao động lại phải tốn thêm tiền, đồng nghĩa với việc làm thêm nhưng người lao động không được hưởng gì. Cuối cùng doanh nghiệp thì giàu lên, còn công nhân khổ vẫn hoàn khổ.

Độc giả SPACE X cho hay, thực tế, nhiều năm nay đa số công nhân viên các công ty điện tử đều làm thêm giờ gấp nhiều lần con số 300h/năm rồi. Do lương thấp nên 99,9% người lao động phải làm thêm để có tăng thu nhập.

Theo ý kiến độc giả, công chức mới cần tăng giờ làm. Ảnh minh họa

Cùng chia sẻ, bạn đọc PHUONG DUONG cho biết, công nhân da giày, may mặc, điện tử bây giờ làm 12 tiếng ngày (80 tiếng/tuần ), lương thì thấp nên tiền thêm giờ không được bao nhiêu. Công nhân phải làm triền miên hàng năm, chứ không phải thời vụ. Họ vắt kiệt sức lao động, còn doanh nghiệp không chịu mua máy móc, mở rộng sản xuất.

"Trong khi đó, cán bộ công chức chỉ làm 44 tiếng/tuần mà lương lại khá. Bây giờ luật phải tăng số giờ làm của cán bộ công nhân viên chức lên, giảm giờ làm của công nhân xuống, tiến tới là bằng nhau.

Cùng là người lao động, không thể 2 khung giờ làm chênh lệch nhau như thế được. Bây giờ lại tăng giờ làm thêm của công nhân, bắt họ làm kiệt sức sao?", độc giả PHUONG DUONG đề xuất.

Cũng đề cập đến sự lệch pha này, bạn VIET NGUYEN HOANG bày tỏ quan điểm: Tăng giờ làm thêm là sự bần cùng hóa người lao động nhưng lại làm tăng túi tiền cho bộ máy hành chính ăn lương bằng thuế của người lao động đóng góp".

So sánh với một số nước, độc giả VANTHA nhận xét, vùng nguyên liệu và sản xuất công nghiệp, công nhân tay nghề cao thì khỏi cần tăng giờ làm thêm mà giá trị sản phẩm làm ra và năng suất lao động vẫn rất cao.

Ví như công ty Nhật, Hàn họ chỉ tăng ca đối với người lao động nhập cư còn bản xứ thì không. Độc giả này đặt câu hỏi vì sao Việt Nam mấy chục năm nay vẫn chỉ lao động gia công phổ thông, luẩn quẩn với những đề xuất như trên.

Cho biết Luật Lao động của Nhật cũng quy định làm việc 8 tiếng/ngày, độc giả AD HAI nhận xét, vì áp lực công việc nên người Nhật làm thêm rất nhiều, và họ cũng kiếm nhiều tiền, nhưng nước Nhật cũng có tỷ lệ người tự tử rất cao do áp lực công việc. Nhưng dù thế nào thì luật của họ vẫn quy định ngày làm việc 8 tiếng.

Chỉ ra giải pháp, bạn HAIHA TRAN cho rằng, cần tăng tiền lương để người lao động không bị vắt kiệt sức ảnh hưởng lâu dài đến thể chất người Việt.

Còn bạn đọc tên Thắng hài hước chỉ ra 5 cách có thu nhập cao: Thứ nhất, bố mẹ làm quan - Tự nhiên được xếp vào chỗ hái ra tiền. Thứ hai, lao động có kỹ năng đặc biệt (ít người có), doanh nghiệp sẽ trả lương cao. Thứ ba, làm nhanh gấp 2-5 lần người khác - thu nhập bằng 1,5-3 lần người khác. Thứ tư, tăng thời gian lao động gấp 1,2-1,5 lần người khác - thu nhập tăng lên 1,5-2 lần. Thứ năm, đi... phạm pháp mà thành công

"Đại đa số lao động sẽ làm theo cách nào, cần gì phải bàn nhiều???!!", độc giả Thắng kết luận.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tranh-luan-tang-gio-lam-them-cong-chuc-moi-can-tang-3390360/