Tranh cãi xung quanh việc nhập khẩu lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng

Cục Bảo vệ thực vật sẽ lùi thời hạn áp dụng lệnh buộc doanh nghiệp phải tái xuất lô hàng lúa mỳ có nhiễm cỏ kế đồng (nếu phát hiện) từ ngày 1-11 như quy định trước đó. Tuy nhiên, Cục này không thỏa hiệp với đề xuất của doanh nghiệp về việc cho phép nhập khẩu lúa mỳ có nhiễm tỷ lệ cỏ nhất định.

Chưa có lệnh tạm dừng nhập khẩu

Cuộc họp sáng 17-10 giữa Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mỳ khá gay cấn. Các doanh nghiệp thì "tố" Cục BVTV, đòi bằng chứng về tác hại của cỏ kế đồng, thậm chí để xuất được nhập khẩu lúa mỳ có nhiễm tỷ lệ cỏ nhất định nhưng Cục BVTV nhất định nói không.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ tháng 5 đến nay, qua kiểm dịch đã ghi nhận, 1,6 triệu tấn lúa mỳ nhập khẩu về nước có nhiễm cỏ kế đồng.

Đáng nói, Cục đã bỏ ra 6 tháng để phối hợp với doanh nghiệp, cùng tham tán thương mại các nước để tìm phương án giải quyết song không có thay đổi. Trong khi theo thông lệ quốc tế về kiểm dịch, với tình trạng này, cần áp dụng biện pháp mạnh hơn để mang lại hiệu quả.

Cảnh báo tình trạng lúa mỳ nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng

Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT cũng như Cục Bảo vệ thực vật vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mỳ, chưa có văn bản nào về việc ngừng nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, biện pháp buộc doanh nghiệp phải tái xuất toàn bộ lô hàng lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng-đối tượng kiểm dịch thực vật cũng là bình thường. Đây là công tác nghiệp vụ. Đáng nói, tình trạng lúa mỳ nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng không những không giảm mà còn đang tăng mạnh, dù Cục BVTV đã cử 20-30 cán bộ tăng cường vào phía Nam để giám sát, hỗ trợ.

Thế giới đều lo ngại về cỏ kế đồng

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin, cỏ kế đồng có xuất xứ từ châu Âu, lây lan ra khắp các lục địa có người sống. Hiện 43 bang của nước Mỹ nhiễm loại cỏ này, một số quốc gia ở Châu Phi cũng đang kêu gọi quốc tế hỗ trợ diệt loại cỏ kế đồng.

Mỹ coi loại cỏ này là nguy hại với môi trường và nền nông nghiệp, bắt buộc phải kiểm soát. Nếu phát hiện hàng nhập khẩu vào Mỹ có nhiễm cỏ kế đồng sẽ yêu cầu tái xuất ra khỏi Mỹ. Thậm chí, nếu loại cỏ này du nhập vào Việt Nam thì hàng nông sản của Việt Nam sẽ bị Mỹ cấm cửa.

Cỏ kế đồng là loài cỏ lưu niên sinh sản có thể cao đến 1,5 m, lây lan rất nhanh cả bằng vô tính bằng hình thành cây mới từ rễ và hữu tính bằng hạt, sức chống chịu và thích nghi với môi trường rất tốt. Rễ cỏ mọc rất sâu trong đất, có thể sâu đến 3 m và mọc lan ngang đến 6 m, từ rễ hoặc đoạn rễ cỏ, mầm mới lại mọc lên để tạo thành quần thể. Mỗi cây có thể tạo ra 5.000 hạt cỏ rất nhỏ, dễ phát tán nhờ gió, các loại chim, gia súc, động vật hoang dã, qua hệ thống thủy lợi.

Doanh nghiệp muốn thương thảo

Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Công ty Bột mỳ Thiết Lập bày tỏ quan điểm, Cục BVTV nên đánh giá lại về loại cỏ kế đồng này ở môi trường Việt Nam, cũng như gây hại đến cây trồng. Trong khoảng thời gian này thì doanh nghiệp sẽ tìm nguồn hàng khác để thay thế.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mỳ đều cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng bị làm khó, bởi lô hàng xuất khẩu của nước bạn được cấp chứng thư đảm bảo lúa mì tốt, không nhiễm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp không được biết là có nhiễm cỏ kế đồng hay không, chỉ đến khi về đến Việt Nam, qua kiểm dịch phát hiện có nhiễm, buộc doanh nghiệp tái xuất sẽ rất tốn kém.

Để giảm bớt thiệt hại, các doanh nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lúa mỳ có nhiễm một tỷ lệ cỏ kế đồng nhất định, nếu không sẽ rất khó khăn. Đồng thời, lùi thời hạn áp dụng lệnh buộc doanh nghiệp phải tái xuất lô hàng nếu phát hiện có nhiễm cỏ kế đồng từ 1-11 tới đây.

Giải đáp về điều này, ông Hoàng Trung cho biết, chứng thư chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu chỉ là một điều kiện. Về Việt Nam sẽ buộc phải chịu sự kiểm soát dịch bệnh của cơ quan hữu quan Việt Nam, nếu đạt mới được nhập khẩu vào nước.

“Thời gian qua, Cục BVTV đã hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có thông báo cho doanh nghiệp từ tháng 5 để có biện pháp ứng phó và giảm thiệt hại. Về phía Cục BVTV những gì có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp đều đã thực hiện.

Chắc cũng chỉ có Việt Nam mới để một thời gian dài đến nửa năm như vậy, còn các quốc gia khác họ sẽ buộc doanh nghiệp phải tái xuất ngay lô hàng”- ông Trung bày tỏ.

Cũng theo ông Trung, không thể nói “lệnh” tái xuất các lô hàng lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11 tới đây là đột ngột. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn lúa mỳ, nhưng chỉ phát hiện 1,6 tấn có nhiễm cỏ kế đồng, chứng tỏ vẫn còn giải pháp để các doanh nghiệp lựa chọn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đưa ra cảnh báo về sự nguy hại nếu cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam. Không chỉ phá hoại sản xuất, mà sau đó còn là hàng loạt các hệ lụy như nông sản xuất khẩu đi các nước sẽ bị liệt vào diện kiểm soát chặt chẽ, thậm chí dừng nhập khẩu.

Tuy nhiên, trước kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu, Cục BVTV cho biết, sẽ đàm phán với các nước đang là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam gồm (Mỹ, Nga, Canada) để tìm giải pháp xử lý từ đầu. Nếu các bên chấp nhập theo đúng pháp luật và các thông lệ quốc tế thì sẽ có biện pháp cụ thể thông báo tới các doanh nghiệp sau. Nếu không giải quyết được, ông Trung đề nghị doanh nghiệp chia sẻ, áp dụng biện pháp tái xuất.

Trước mắt, Cục BVTV sẽ lùi thời gian áp dụng quy định, buộc tái xuất lô hàng nếu phát hiện nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11.

Tuyết Nhung

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/tranh-cai-xung-quanh-viec-nhap-khau-lua-my-nhiem-co-ke-dong/786691.antd