Tranh cãi về quyết định của Tổng thống Biden khi hủy chính sách nhập cư 'Ở lại Mexico'

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa chính thức hủy bỏ chương trình nhập cư có tên gọi 'Ở lại Mexico'. Đây là quyết định mới nhất trong loạt động thái nhằm đảo ngược các chính sách hạn chế người nhập cư của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump

Khó làm “vừa lòng” lưỡng đảng

Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố tạm dừng chương trình "Ở lại Mexico", có tên gọi chính thức là Nghị định thư Bảo vệ người di cư (MPP). Điều này giúp cho phép khoảng 11.000 người tham gia chương trình được vào Mỹ trong khi đợi kết quả xin thị thực. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho rằng, chương trình này đã không "tăng cường đầy đủ hoặc đảm bảo bền vững trong việc quản lý biên giới", khi vẫn có sự gia tăng các vụ bắt giữ tại khu vực biên giới trong thời gian chương trình này còn hiệu lực. Trên thực tế, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đảo ngược nhiều chính sách nhập cư của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, với lý do ông Trump đã không tôn trọng các luật tị nạn của Mỹ và việc chính thức chấm dứt MPP là quyết định mới nhất của chính quyền ông Biden để đảo chiều chính sách nhập cư dưới thời ông Trump.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Quyết định trên của ông Biden đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lập pháp đảng Dân chủ nhưng lại vấp phải sự chỉ trích của các thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có việc chấm dứt chương trình MPP. Đồng thời, đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống Biden đang khuyến khích nhiều người di cư tới khu vực biên giới Mỹ - Mexico trong những tháng qua và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này.

Các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng việc gia tăng người tị nạn ở biên giới phía Nam kể từ tháng 4 tới nay là do chính quyền Biden không tăng cường an ninh biên giới trong khi chấm dứt các chính sách nhập cư của chính quyền tiền nhiệm vốn được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ. Các nghị sỹ Cộng hòa cũng yêu cầu Quốc hội không cân nhắc thay đổi thêm hệ thống nhập cư của Mỹ cho tới khi chính quyền Biden củng cố an ninh tại các khu vực biên giới.

Tính toán của Biden

Các chuyên gia về di dân cho rằng, việc gia tăng người di cư tại biên giới giữa Mỹ và Mexico là do quyết định của chính quyền Biden nhằm chấm dứt nhiều quyết định dưới thời chính quyền tiền nhiệm nhằm hạn chế tối đa tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Biden cho rằng, việc gia tăng người tị nạn tại khu vực biên giới là điều bình thường diễn ra theo thời điểm hàng năm, nhất là từ tháng 1 tới tháng 3.

Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông đang nỗ lực kết nối các trẻ em không có người lớn đi kèm với gia đình mình tại Mỹ sớm nhất có thể, đồng thời nhấn mạnh rằng đa số những người tìm cách vào Mỹ trái phép bao gồm người lớn đi một mình vẫn bị trả lại. Tổng thống Jode Biden đã phản bác quan điểm cho rằng người xin tị nạn dồn đến biên giới vì họ nghe tiếng ông là một “người tốt”, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi họ ở lại quê nhà.

Chính quyền Biden cũng đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm về việc gia tăng người di cư tại biên giới khi đã cắt kinh phí cho số giường tại các trung tâm tạm trú cho người di cư trong khi chờ tòa án xử lý đơn xin tị nạn khiến các trung tâm này quá tải.

Một lập luận nữa của chính quyền Biden đó là những quyết định vừa qua là một phần của nỗ lực xây dựng lại hệ thống di dân của Mỹ. Có thể thấy rằng, nhiều hành động của chính quyền Biden dựa trên mong muốn lật ngược lại những gì bị cho là chính sách trái pháp luật của ông Trump, cũng như thể hiện cách tiếp cận đồng cảm hơn với người di cư, đặc biệt là trẻ em và các gia đình.

Tuy nhiên, chính quyền hiện tại ở Mỹ chưa có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng khi rút lại những chính sách thời ông Trump. Để giải quyết về lâu dài cuộc khủng hoảng nhập cư của Mỹ sẽ liên quan đến việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, có thể bằng một giải pháp lập pháp mất nhiều thời gian. Đó sẽ là một thách thức đối với chính quyền Biden nếu các đề xuất hoặc giải pháp đưa ra không có được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa tại Quốc hội trong khi đảng này sẽ dựa vào những yếu kém trong xử lý vấn đề di cư của chính quyền hiện tại để làm mục tiêu công kích trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong năm tới.

Quân bài trong cuộc bầu cử giữa kỳ

Để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư vào Mỹ sẽ cần nhiều thời gian, chưa kể sự phản đối và ngăn cản từ phía đảng Cộng hòa. Phe Cộng hòa cho rằng, sự gia tăng số người di cư tìm cách vào Mỹ từ Mexico là hệ quả trực tiếp từ quyết định của Tổng thống Biden nhằm chấm dứt các chính sách của chính quyền tiền nhiệm nhằm ngăn chặn tình trạng di cư trái phép vào Mỹ. Phe Cộng hòa gọi tình trạng di cư ở biên giới hiện nay là một cuộc khủng hoảng và cho rằng chính quyền Biden đã mất kiểm soát an ninh tại đây.

Tổng thống Biden đang tìm cách đảo ngược các chính sách của người tiện nhiệm bao gồm vấn đề nhập cư và do đó cũng rất dễ hiểu khi các quyết sách của ông sẽ vấp phải sự chỉ trích và ngăn cản của đảng Cộng hòa khi đảng này đã mất cả hai viện ở Quốc hội và Nhà Trắng vào tay đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.

Đảng Cộng hòa hiện đang tận dụng các thách thức về vấn đề biên giới mà chính quyền Biden đang phải đối mặt để định hình lại chính sách công kích phe Dân chủ tại Quốc hội xung quanh vấn đề an ninh biên giới thay vì cải cách hệ thống di dân của Mỹ. Đây có thể sẽ là một trong những vấn đề chủ chốt của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022, cuộc chạy đua khá quan trọng để đảng Cộng hòa có thể giành lại quyền kiểm soát Hạ viện nhằm ít nhiều giành thế cân bằng về mặt lập pháp. Nếu để mất Hạ viện, chính quyền Tổng thống Biden sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện chương trình nghị sự của mình./.

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tranh-cai-ve-quyet-dinh-cua-tong-thong-biden-khi-huy-chinh-sach-nhap-cu-o-lai-mexico-863045.vov