Trang sử vàng son trên những nét màu

Hội họa với khả năng ghi dấu ấn bằng hình ảnh và màu sắc đã góp phần lưu giữ và truyền tải chân thực, sinh động những khoảnh khắc khó quên về chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đến các thế hệ sau.

Khắc họa cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, các họa sĩ đã có mặt tại chiến trường, sát cánh cùng quân và dân ta. Hòa cùng những đoàn quân hướng về Điện Biên, họ đã ghi chép lại cuộc sống, chiến đấu, những trận đánh ác liệt, tinh thần quả cảm, kiên cường của chiến sĩ, thể hiện trong các tác phẩm của mình. Nhiều bức tranh phản ánh hơi thở cuộc sống kháng chiến ra đời như loạt ký họa chiến trường của các tác giả Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ…

Triển lãm chuyên đề "Đường lên Điện Biên" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biện Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024) trưng bày các tác phẩm hội hội, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích… Trong đó, điểm nhấn là chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ mà họa sĩ Tô Ngọc Vân thực hiện trước lúc hy sinh. Ông cũng được coi là liệt sĩ đầu tiên của giới mỹ thuật nước nhà.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ký họa là loại hình tạo ra nền cốt đầu tiên cho những tác phẩm lớn của các họa sĩ tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ đã ngã xuống khi trong ba lô của họ vẫn còn nguyên những bức tranh, những bức ký họa vội vàng. Trong đó, người đầu tiên thực hiện ký họa kháng chiến là danh họa Tô Ngọc Vân. Ông có cách vẽ vừa nhanh vừa thận trọng, mang lại các tác phẩm giá trị, dù ông vẽ chì, bút sắt, than, hay màu nước vẫn nguyên vẹn rung cảm của người nghệ sĩ.

"Kéo pháo", sơn mài của họa sĩ Dương Hướng Minh

Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tham gia cách mạng từ rất sớm, xung phong đi chiến dịch, trở thành một chiến sĩ đúng nghĩa. Trong những ngày tháng chiến dịch, họa sĩ vẫn say mê sáng tác. Sáng tác của ông thời kỳ này chắt lọc sự hình dung bao quát nhất về một thời đấu tranh đầy gian truân nhưng thấm đượm tình cảm lãng mạn và tinh thần lạc quan.

Tháng 4.1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân đi Điện Biên Phủ để vẽ ký họa về các hoạt động quân sự ở mặt trận, mô tả cuộc sống của binh lính và Nhân dân Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Ngày 17.6.1954, ông hy sinh tại cây số 14 Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô, khi đang thực hiện nhiệm vụ ký họa trực tiếp. Bức ký họa cuối cùng có tên “Đèo Lũng Lô”, mô tả cảnh chiến sĩ và dân công hỏa tuyến mừng vui phấn khởi trở về sau ngày chiến thắng Điện Biên…

Đề tài hấp dẫn với nhiều thế hệ họa sĩ

Sau chiến thắng, đề tài Điện Biên Phủ tiếp tục được các họa sĩ khai thác với nhiều góc nhìn và phong cách khác nhau. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, nhiều tác phẩm đã thể hiện sống động về đề tài chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ như kéo pháo vào trận địa qua tác phẩm “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ; sự hỗ trợ đóng góp công sức của hàng chục nghìn dân công qua tác phẩm “Việt Bắc” của Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của Lưu Văn Sìn, “Cả nước ra trận” của Lưu Danh Thanh; tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến với tác phẩm “Tình quân dân” của Nguyễn Sáng, “Đường lên Điện Biên” của Trần Khánh Chương…

Nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc và tái hiện những trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường qua các tác phẩm “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của Nguyễn Thế Vị, “Trung tâm Điện Biên Phủ” của Lê Huy Toàn, “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm…

Có những tác phẩm kinh điển là bản anh hùng ca về tinh thần anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình như “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của Lê Vinh, “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh... Hay những hồi ức đẹp về Điện Biên qua các tác phẩm của Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải… Đặc biệt, hình ảnh vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến thể hiện sự đoàn kết một lòng của toàn quân, toàn dân hướng về Điện Biên.

Trong số này, nổi bật là bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của cố họa sĩ Nguyễn Sáng, được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tác phẩm mang đậm chất sử thi và chất anh hùng ca, thể hiện không gian trang nghiêm của buổi kết nạp Đảng ở chiến hào.

Sáng tác năm 1963, họa sĩ Nguyễn Sáng đã dựng lại thời khắc hào hùng của những chiến sĩ Điện Biên. Tác phẩm phản ánh tinh thần hào hùng, quyết liệt của cuộc chiến lịch sử của dân tộc - kháng chiến chống Pháp. Bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh cũng ghi nhận phong cách tiêu biểu của một họa sĩ bậc thầy của mỹ thuật Việt Nam, minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật sơn mài Việt Nam ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến khẳng định, trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ là đề tài hấp dẫn với nhiều thế hệ họa sĩ. Các tác phẩm còn lưu lại đến ngày nay đã trở thành tài sản vô giá của mỹ thuật nước nhà. Không chỉ ghi lại chân thực, sinh động từng thời khắc lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các tác phẩm này còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/trang-su-vang-son-tren-nhung-net-mau-i368990/