Trắng đêm vượt lũ

Bão số 3 đi qua song hoàn lưu bão đã gây ra những hậu quả nặng nề trên địa bàn tỉnh. Nước ở nhiều sông dâng cao làm ngập tài sản, đe dọa an toàn tính mạng nhân dân. Trong bối cảnh ấy, cả tỉnh phải gồng mình chống lũ, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt với tinh thần chạy đua vượt lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Xuyên đêm ngăn lũ

Từng cơn mưa xối xả dội xuống cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Thương dâng cao, có thời điểm vượt mức báo động số 3 hơn nửa mét, dòng sông đục ngầu, cuồn cuộn, chảy xiết, lớn lên từng giờ, từng phút như những quả bom nước khiến ai nấy đều lo lắng. Chỉ cần sơ sểnh, nó có thể nuốt trọn làng mạc, nhà cửa, hậu quả không thể đo đếm được. Trong lúc này, việc huy động sức người, sức của, bảo đảm an toàn tuyến đê được đặt lên hàng đầu.

 Lực lượng chức năng huyện Lạng Giang giúp nhân dân xã Nghĩa Hưng gia cố, bảo vệ đê bối.

Lực lượng chức năng huyện Lạng Giang giúp nhân dân xã Nghĩa Hưng gia cố, bảo vệ đê bối.

Qua rà soát, kiểm tra, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) phát hiện khu vực đê cống Ông Sanh, thôn Sỏi có đoạn sạt lở dài 12 m. Đây là công trình có vai trò quan trọng, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho hàng trăm hộ trong xã và vùng lân cận. Ngay khi phát hiện, các lực lượng đã được huy động để xử lý. Luôn theo sát tình hình và ảnh hưởng của mưa lũ cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý sự cố nên ngay khi nắm được thông tin quân và dân trong xã Nghĩa Hưng đang dồn sức, đồng lòng ngăn lũ, trong đêm chúng tôi đã tiếp cận hiện trường.

Khu vực sạt lở xa đường giao thông, chỉ là lối mòn nhỏ hẹp, trơn trượt, chúng tôi được anh cán bộ xã “tăng bo” một đoạn trên chiếc xe máy ra hiện trường. Qua làng Sỏi, nhiều người chưa ngủ vì thời tiết nóng nực, lại mất điện, cộng với nỗi lo nước sông dâng cao, kê ghế ra sân, ra cổng ngồi, tâm trạng thắc thỏm, thấy ai đi qua cũng hỏi thăm tiến độ đắp đê trong xã. Trời tối đen như mực, ánh sáng quanh chúng tôi chỉ là từ chiếc đèn pha xe máy của anh cán bộ xã đưa đến hiện trường.

Có mặt tại đây vào khoảng 23 giờ đêm, không khí làm việc vẫn rất khẩn trương. Thỉnh thoảng lại có cơn mưa ào xuống rồi ngớt nhanh nhưng cũng không làm giảm nhiệt huyết, tinh thần chống lũ của quân và dân trong xã. Máy phát điện chạy xình xịch phục vụ thắp sáng khu vực thi công cộng với tiếng người dân hô “hai, ba” thả từng bao đất, đóng cọc tre gia cố bờ bao đã xua tan không khí tĩnh mịch của màn đêm. Để có đủ vật tư, ngoài đào đắp đất tại chỗ còn có rọ thép, cọc tre nên xe rùa, xe cải tiến được trưng tập chuyên chở. Hơn 200 người được huy động bao gồm cả lực lượng công an, quân đội hỗ trợ và chủ lực là lực lượng xung kích tại xã làm việc không ngừng nghỉ, tranh thủ từng phút, từng giây để gia cố đê ngăn lũ.

Lau giọt mồ hôi sau khi vừa khiêng bao đất đắp bờ, ông Hoàng Minh Thành, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ngay khi phát lệnh đắp đê ngăn lũ, chúng tôi được huyện quan tâm chỉ đạo, quân và dân trong xã vào cuộc mỗi người một việc trên tinh thần khẩn trương nhất, tranh thủ tối đa thời gian khi lũ chưa quá lớn để gia cố đê. Nhờ vậy, hàng nghìn cọc tre, khoảng 4 nghìn bao đất và rọ thép đã được đắp vào đê, giúp công trình thêm vững chãi, tăng khả năng chống lũ”.

Giúp nhau chạy lụt

Không chỉ ở Nghĩa Hưng (Lạng Giang), người dân vùng lũ ven sông có những đêm dài gần như không ngủ để tập trung chống lũ. Các lực lượng như công an, quân đội dầm mình trong nước lũ gia cố bờ bao, trợ giúp người dân vùng ngập lụt. Dõi theo bản tin thời tiết và con nước lên từng phút, dự báo nước sông tiếp tục dâng cao “ăn” sâu vào vườn ươm cây giống, anh Nguyễn Xuân Dũng, chủ cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp Dũng Ngân, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) lo lắng báo tin huy động người đến hỗ trợ chạy lũ.

 Lực lượng quân đội, công an tham gia gia cố thân đê bối thị trấn Bố Hạ (Yên Thế). Ảnh: QUỐC TRƯỜNG.

Lực lượng quân đội, công an tham gia gia cố thân đê bối thị trấn Bố Hạ (Yên Thế). Ảnh: QUỐC TRƯỜNG.

Khi trời tang tảng sáng, gần 100 chị em hội viên phụ nữ, nông dân đã có mặt mang theo xe rùa, ủng, bao tay nhanh chân xuống vườn. Người xếp bầu cây giống ra phía ngoài, người đẩy xe, không còn xe thì cho cả cây vẫn còn lấm lem bùn đất lên vai chuyển đến khu vực cao hơn. Những bước chân đi vội như chạy, chỉ mong nhanh chóng di dời tài sản lên khu an toàn cho gia đình hội viên.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Hòa Bình vừa lấy đà đẩy xe rùa chở đầy cây lên dốc vừa kể: “Cả trang trại với hàng vạn cây giống, là tài sản lớn của vợ chồng anh chị Ngân Dũng, nếu nước tràn vào ngập úng chỉ một ngày là sẽ mất trắng. Ngày thường thì có nhân công thuê mướn đến làm còn mùa lũ họ cũng trở về lo dọn dẹp nhà cửa. Nhìn vườn tược, cây cối đang bộn bề, nếu chỉ có 2 vợ chồng thì “chạy” lũ sao nổi. Vì vậy, từ 5 giờ sáng tôi cùng chị em đã có mặt tại đây để giúp gia đình hội viên di chuyển tài sản trước khi lũ về”. Với sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của người dân địa phương, sau thời gian ngắn gần 100 vạn cây giống đã được đưa lên bờ, vận chuyển đến nơi an toàn.

 Người dân xã Hợp Đức (Tân Yên) giúp gia đình ở thôn Hòa An di dời tài sản.

Người dân xã Hợp Đức (Tân Yên) giúp gia đình ở thôn Hòa An di dời tài sản.

Trong cơn bão số 3 vừa qua, huyện Sơn Động bị ngập nặng, nhiều địa bàn bị bao vây bốn bề là nước. Những gia đình nhiều “không”: Không điện, không sóng điện thoại, không lương thực, không thể di chuyển đường bộ vì nước lũ và nhiều khó khăn khác. Thời điểm này, lũ rút, nhiều người dân vùng rốn lũ ở các xã Vĩnh An, Lệ Viễn, Cẩm Đàn, Tuấn Đạo, Long Sơn được trở về nhà song vẫn còn đối diện với ngổn ngang công việc vệ sinh, dọn dẹp, thu dọn nhà cửa, đồ đạc đổ vỡ sau mưa bão. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kiềm, 78 tuổi, ở xã Long Sơn có hoàn cảnh khó khăn kể: “Những người đến cứu giúp tôi không kịp hỏi tên, chỉ thấy gương mặt thân quen, tận tình, trách nhiệm. Họ rời đi ngay để làm những công việc khác đang chờ phía trước. Nay về nhà tôi tiếp tục được cán bộ địa phương đến giúp thu dọn vệ sinh, nhà cửa. Trong lòng thấy ấm áp lắm”, bà Kiềm nói.

Những ngày qua, sát cánh cùng lực lượng phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, chúng tôi đã chứng kiến, phản ánh tinh thần khẩn trương chống lũ, tương thân, tương ái, chia sẻ vượt qua khó khăn trong bão lũ. Mưa bão tiếp tục diễn biến khó lường, trời vẫn mưa và dự báo có thể xuất hiện những trận “hồng thủy” song với những hình ảnh, việc làm thấm đẫm tình người, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Bắc Giang vượt qua thiên tai.

Nước lũ trên vùng cao đang xuống nhưng lại tăng ở các xã vùng thấp. Các xã ven sông Cầu, sông Thương lại gồng mình chống lũ. Điện thoại của lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Hiệp Hòa vang lên liên hồi, vừa tiếp nhận thông tin, vừa nhanh chóng chỉ đạo phương án phòng, chống bão lũ theo diễn biến từng giờ, từng phút, không quản ngày đêm.

Đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa thông tin nhanh, mấy năm trước nhờ được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ, huyện đã chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nay gặp “nạn thủy”, cùng với sự nỗ lực cố gắng của quân và dân địa phương, Hiệp Hòa đang nhận được sự giúp sức của các cấp, ngành, lực lượng công an, quân đội. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm từ mọi miền quê đang hướng về vùng bị thiệt hại hỗ trợ bà con.

Những ngày qua, sát cánh cùng lực lượng PCTT - TKCN của tỉnh, chúng tôi đã chứng kiến, phản ánh tinh thần khẩn trương chống lũ, tương thân, tương ái, chia sẻ vượt qua khó khăn trong bão lũ. Mưa bão tiếp tục diễn biến khó lường, trời vẫn mưa và dự báo có thể xuất hiện những trận “hồng thủy” song với những hình ảnh, việc làm thấm đẫm tình người, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Bắc Giang vượt qua thiên tai.

Trịnh Lan - Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trang-dem-vuot-lu-164241.bbg