Trạm năng lượng mặt trời cao nhất thế giới với công suất 100Mw chính thức hoạt động tại Tây Tạng

Trạm năng lượng mặt trời lưu trữ Caipeng, nằm ở độ cao 5.228 mét tại Tây Tạng, đã đi vào hoạt động với 170.000 tấm pin mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng 20 MW/80 MW, mở ra bước đột phá trong ngành năng lượng tái tạo ở những môi trường khắc nghiệt nhất.

Các tấm quang điện được thiết lập ở độ cao cao hơn. (Ảnh: Interesting Engineering)

Các tấm quang điện được thiết lập ở độ cao cao hơn. (Ảnh: Interesting Engineering)

Trạm năng lượng mặt trời lưu trữ Caipeng, thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc Huadian, đã chính thức khởi động giai đoạn hai tại Shannan, Tây Tạng, đánh dấu kỷ lục mới về độ cao cho một dự án năng lượng tái tạo. Trạm này được xây dựng ở độ cao 5.228 mét, vượt qua kỷ lục trước đó của giai đoạn một (5.100 mét). Đây là minh chứng cho khả năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngay cả ở những khu vực xa xôi và khắc nghiệt nhất.

Với tổng vốn đầu tư 127,8 triệu USD, trạm Caipeng được thiết kế để sản xuất 247 triệu kWh điện mỗi năm. Giai đoạn hai của dự án bổ sung công suất 100 MW, mở rộng trên diện tích 1,4 km². Trước đó, giai đoạn một với công suất 50 MW đã được đưa vào vận hành từ tháng 12/2023, tạo ra hơn 60 GW điện. Hai giai đoạn này phối hợp nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra vào mùa đông và mùa xuân ở khu vực trung tâm Tây Tạng.

Việc xây dựng giai đoạn hai, bắt đầu từ tháng 8/2024, đã được hoàn thành chỉ trong 115 ngày, sớm hơn kế hoạch 42 ngày nhờ sử dụng giá đỡ lắp sẵn và dây chuyền lắp ráp tại chỗ. Phương pháp này giúp tăng hiệu quả xây dựng lên đến 40%, bất chấp điều kiện khắc nghiệt của vùng cao nguyên.

Dự án sử dụng các tấm pin mặt trời hai mặt n-type TOPCon, nổi bật với hiệu suất chuyển đổi cao và khả năng tận dụng ánh sáng phản chiếu từ tuyết để tăng cường sản lượng điện. Hệ thống lưu trữ năng lượng 20 MW/80 MW từ Sungrow giúp cung cấp điện 80.000 kWh trong tối đa 4 giờ sau khi mặt trời lặn, hỗ trợ ổn định lưới điện và điều chỉnh tần số.

Công nghệ lưu trữ này còn tích hợp làm mát bằng chất lỏng và quản lý nhiệt bằng AI, cải thiện hiệu suất xả hơn 8% và đảm bảo an toàn vận hành. So với các tấm pin thông thường, công nghệ hai mặt giúp tăng hiệu suất lên đến 7,5% và sản lượng năng lượng tổng thể tăng 20%.

Dự án Caipeng không chỉ mang lại giải pháp năng lượng bền vững cho Tây Tạng mà còn đánh dấu bước tiến lớn của Trung Quốc trong việc ứng dụng công nghệ cao vào môi trường đặc thù. Đây cũng là một phần trong chiến lược mở rộng danh mục đầu tư của PowerChina, sau khi công ty này mua lại 1 GW mô-đun cho dự án điện mặt trời nổi tại Trung Quốc.

Việt Vũ (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tram-nang-luong-mat-troi-cao-nhat-the-gioi-voi-cong-suat-100mw-chinh-thuc-hoat-dong-tai-tay-tang-post535911.html