Trạm Hành và những cây cà phê cổ trên cao nguyên
Trạm Hành là xã mới thành lập của thành phố Đà Lạt nhưng vùng đất này vốn có truyền thống từ lâu đời. Nằm cuối con đèo D'ran, giữa những vườn cà phê, vườn hồng xanh ngát, Trạm Hành lưu dấu ấn một thời quá khứ của mảnh đất cao nguyên. Cũng nơi đây, những cây cà phê cổ vẫn đơm hoa kết trái, như chứng tích cho miền đất lành, nơi con người đổ mồ hôi, chăm chút để hương cà phê bay xa.
Ông Lương Trọng Nghĩa, cháu nội cụ Lương Tòng, tức cụ Kiểm Bảy, một trong 17 người đứng tên xin Chính phủ Bảo hộ lúc đó lập làng Trạm Hành kể lại, đây vốn là mảnh đất của những lưu dân vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú. Năm 1900, người Pháp làm đường bộ từ Phan Rang, vượt đèo Ngoạn Mục lên đến D’ran, Đà Lạt. Nằm ngay giữa Đà Lạt và D’ran, Trạm Hành đón những người lưu dân đầu tiên đến làm nhà, ngả cây, khai phá vùng đất cao nguyên. Theo ông Nghĩa nhớ lại lời kể của ông nội, lúc đấy Trạm Hành hoàn toàn hoang vu, cư dân chủ yếu ban đầu làm thuê cho các nhà thầu làm đường bộ, sau đó làm đường sắt Đà Lạt- Phan Rang. Đường bộ xong, đường sắt hình thành, nhiều sở trà, sở cà phê do điền chủ Pháp thành lập, mang tới vùng đất này giống cây mới, đồng thời thu hút đông đảo cư dân vùng ven duyên hải tới định cư.
Ban đầu, cư dân làng Trạm Hành phần nhiều là những thanh niên còn độc thân. Dần dần trong quá trình quần cư, Trạm Hành có thêm nhiều gia đình, những mái nhà ổn định mọc dần lên theo năm tháng. Định chế làng xã, hương ước hình thành. Và tới năm 1927, cùng thời gian với sở trà Cầu Đất thành lập, 17 người dân làng Trạm Hành cùng đệ đơn xin phép chính thức lập làng Trạm Hành, trong đó có cụ Lương Tòng, cụ Năm Sơn…, những người có uy tín trong cộng đồng, được bầu lo việc trong làng.
Có đường, có dân, nhiều chủ đồn điền người Pháp mang cà phê, mang chè tới trồng trên đất Xuân Trường, Trạm Hành. Khi đó, người địa phương chỉ biết trồng rau trồng khoai, chưa bao giờ biết tới hạt cà phê. Ông Phùng Phước, con cụ Năm Sơn chỉ cây cà phê Typica già trong vườn nhà mình cho biết, cây đã trên 80 năm tuổi, là cây do cha ông mang từ đồn điền về trồng trong vườn nhà. Khi ấy, người Pháp canh tác rất khác hiện tại, nói theo kiểu dân địa phương là trồng kiểu “tum”. Sau khi trồng cây cà phê được 2 năm tuổi, người ta đào cây cà phê lên, chặt ngọn, chặt rễ cọc rồi lại đào hố trồng xuống, xăm đất xung quanh thật đều rồi tưới nước. Không biết có phải nhờ kỹ thuật trồng ấy không mà nhiều cây cà phê trồng từ thời Pháp tới nay vẫn còn sinh trưởng tốt, ra hoa kết trái mỗi mùa.
Làng Trạm Hành sống nhờ cây cà phê Typica suốt nhiều năm dài. Cho tới những năm 90 thế kỷ 20, thấy cây Catimor cho năng suất, chất lượng cao hơn, cư dân lần lượt chặt bỏ hết Typica, chuyển sang trồng cà phê giống mới. Những vườn Typica đọt đỏ, trái thuôn dài mất dần, nhường chỗ cho Catimor lá xanh, trái tròn. Nhưng thời thế thay đổi, thị trường quay lại ưa chuộng những hạt Typica thuần chủng, với hương thơm và vị dịu nhẹ. May mắn thay, vẫn còn những vườn Typica, những cây Typica cổ còn được giữ lại. Như gia đình ông Huỳnh Cảnh ở Trạm Hành 2, ông Phạm Văn Vui ở Trạm Hành 1, ông Phùng Phước… vẫn còn những gốc Typica thuần chủng.
Không chỉ cư dân Trạm Hành mà các nhà khoa học cũng vào cuộc. Họ thu thập hạt, chế biến rồi nhờ các chuyên gia thử nếm. Kết quả cho thấy, chất lượng hạt cà phê Typica thật sự vẫn giữ được sắc, hương, vị như thuở ban đầu, chỉ năng suất giảm sút do chăm sóc không đầy đủ. Qua khảo sát, ngành nông nghiệp xác nhận 12 cây Typica đầu dòng, với chất lượng hoàn hảo đều thuộc về các gia đình ở Trạm Hành. Và hôm nay, 12 cây Typica đầu dòng ấy đang cho ra đời hàng ngàn cây Typica con. Không giữ kỹ thuật chăm sóc kiểu “tum”, ngắt đọt chặt rễ, Typica được trẻ hóa và chăm sóc với kỹ thuật mới, đảm bảo hạt cà phê vẫn giữ được hương vị thuần, cây vẫn mạnh khỏe, không yếu ớt. Và cũng chính những gia đình, con cháu những người đi mở đất Trạm Hành lại tiên phong trong việc trồng Typica, nối nghiệp cà phê của cha ông. Đó là con cháu cụ Bảy Kiểm, con cháu cụ Năm Sơn, con cháu cụ Hai Tiến…, những người đã sống và đã yên nghỉ trên mảnh đất cao nguyên xinh đẹp.
Suốt chiều dài lịch sử vùng đất mới, những cư dân duyên hải đã tới đây, sống, chăm sóc cây cà phê thuần chủng. Và sau khi an nghỉ, di sản của các cụ để lại tiếp tục được con cháu giữ gìn, phát huy với mong ước mang hương cà phê Trạm Hành bay xa.