Trái tim người lính

Trở về từ chiến trường sau khi hoàn thành nghĩa vụ cao cả của người thanh niên với Tổ quốc, các cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh Long An tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng quê hương. Mỗi người có một cách đóng góp khác nhau, thầm lặng, giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Tàn nhưng không phế

Sáng sớm, khi trời còn mờ sương, ông Nguyễn Văn Lễ (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) ra khỏi nhà với chiếc liềm cắt cỏ trên tay. Với một bên chân giả, ông tập tễnh bước đi trên con đường bêtông dẫn ra phía ruộng cỏ của mình. Trở về từ chiến trường với cơ thể không còn lành lặn, người CCB tự nhủ, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không thể nào bỏ cuộc, phải vững vàng để làm chỗ dựa cho gia đình, vợ con.

Ông Lễ nhớ lại, lúc ông lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế thì vợ vừa mới mang thai. Hai năm đằng đẵng không tin tức, ngày trở về, ông là thương binh. Lúc đó, người con bé bỏng chưa từng biết mặt cha vì sợ mà không dám đến gần. Ông phải mất mấy ngày để làm quen lại với con.

Ông Nguyễn Văn Lễ (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) luôn là người tiên phong, vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trong ấp

Ông Nguyễn Văn Lễ (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) luôn là người tiên phong, vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trong ấp

Do vết thương chưa ổn định, lúc đó, ông chỉ loanh quanh với công việc ở nhà. “Lúc mới về, tôi chủ yếu là ở nhà an dưỡng, vất vả, nặng nhọc gì cũng một tay bà xã tôi lo” - ông Lễ kể. Đến khi vết thương lành hẳn, ông dùng chân giả và chung vai cùng vợ gánh vác gia đình, mặc dù việc đi lại vẫn có phần hạn chế.

Các con dần lớn lên, kinh tế gia đình từng bước ổn định hơn. Ông Lễ cũng được xóm giềng, người dân trong ấp quý mến và tôn trọng bởi sự hiền lành, chăm chỉ, xông xáo. Được người dân tín nhiệm, ông tham gia công tác ấp, làm bí thư, trưởng ấp đến nay hơn 20 năm. Thời điểm đó, địa phương còn khó khăn, dân cư thưa thớt, đường sá “nắng bụi, mưa lầy”,...

Với vai trò người đi đầu, ông Lễ vận động người dân đồng lòng ủng hộ các chính sách của địa phương, chung tay xây dựng quê hương. Những tuyến đường bêtông hóa “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” dần thay thế đường đất nhỏ, hẹp. Điện, nước sạch được đưa đến từng nhà dân. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Hầu như công trình nào triển khai trong ấp cũng có sự tham gia vận động của ông Lễ. Đi 1 lần chưa thuyết phục được thì ông cùng ban vận động đi thêm lần 2, lần 3.

Ông Lễ nói: “Việc vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất cho các công trình chung vừa dễ, vừa khó. Đa số người dân đồng thuận nhưng cũng có những trường hợp khó, cần kiên trì giải thích, phân tích cặn kẽ thì mới được. Nếu ai không kiên nhẫn, không vì cái chung thì khó lòng làm được”.

Khi được hỏi động lực nào khiến ông miệt mài vì lợi ích chung như vậy, CCB Nguyễn Văn Lễ cười: “Là vì tôi học theo lời Bác dạy, thương binh tàn nhưng không phế. Còn cống hiến, còn đóng góp được đến đâu thì tôi sẽ còn làm đến đó”.

Những đóng góp lặng thầm

Cũng trở về từ chiến trường Campuchia, ông Trần Văn Lết (ấp Hòa Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) luôn tự hào về những ngày tháng là quân nhân. Với ông, đó là những tháng ngày vinh quang khi được thực hiện nghĩa vụ với quê hương. Hơn 3 năm trong môi trường quân ngũ đã rèn luyện cho ông tinh thần trách nhiệm, sống hết lòng vì người khác.

Những mất mát do chiến tranh gây ra ông là người hiểu hơn ai hết nên khi trở về với cuộc sống đời thường, CCB Trần Văn Lết luôn dành tâm sức “trả ơn đời”.

Ông Trần Văn Lết (ấp Hòa Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) từng nhận Huân chương Chiến công trong quá trình làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia

Ông Trần Văn Lết (ấp Hòa Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) từng nhận Huân chương Chiến công trong quá trình làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia

Năm 2024, ông Lết vận động kinh phí lắp đặt 44 bóng đèn năng lượng mặt trời cho tuyến đường chính dẫn vào ấp với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Ông còn vận động tiền nâng cấp, sửa chữa miếu thờ trong ấp và được người dân đồng tình, ủng hộ. Không tham gia công tác ấp nhưng ông luôn được tín nhiệm bầu vào ban vận động thực hiện các công trình công ích tại địa phương.

Ông Lết chia sẻ: “Cũng nhờ tôi được mọi người thương nên vận động đến đâu là người dân ủng hộ đến đó. Việc gì mang lại lợi ích chung thì mình làm, không câu nệ điều gì hết”.

Hầu như công trình, phong trào nào tại địa phương ông Lết cũng là người tiên phong. Trong ấp, có tuyến đường nào hư hỏng, xuống cấp là ông tự mình giặm vá.

Chủ tịch Hội CCB xã An Ninh Đông - Phạm Phước Duy cho biết: “Việc ông Trần Văn Lết giặm vá đường thì quá quen thuộc ở đây rồi. Cứ thấy tuyến đường nào có "ổ gà" là ông đi xin gạch, đá vụn về lấp lại. Tự mình đi xin, rồi nhặt từng viên đá mang về vá đường. Ông luôn hết lòng vì lợi ích chung nên được người dân tin tưởng và tín nhiệm. Ông cũng là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền”.

Nhấp một ngụm trà, ông Lết từ tốn nói: “Làm một công dân, việc đóng góp xây dựng quê hương là chuyện phải làm, không có gì to tát. Ai sống ở đây lâu năm cũng thấy xã nhà ngày càng phát triển, đổi thay, tôi xem việc chung tay cùng chính quyền là trách nhiệm”.

Trở về từ chiến trường, những CCB như ông Nguyễn Văn Lễ và ông Trần Văn Lết luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, sẵn sàng cống hiến dù trong thời chiến hay thời bình./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trai-tim-nguoi-linh-a189966.html