Trải nghiệm làm nhà khoa học bảo vệ môi trường
Được trải nghiệm những hoạt động bảo vệ môi trường sẽ giúp nhiều học sinh hiểu rõ hơn về ngành học, từ đó nuôi dưỡng đam mê và ý thức bảo vệ môi trường.

Các học sinh lắng nghe hướng dẫn từ thành viên nhóm dự án "Chuyến đi của rơm".
Sau Tết, hoạt động tuyển sinh ở các trường đại học (ĐH) trở nên sôi động hơn. Để giúp các học sinh hiểu rõ hơn về các ngành học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thường xuyên tổ chức những hoạt động Open day - ngày trải nghiệm. Một trong những hoạt động được nhiều học sinh thích thú là trải nghiệm thực tế tại Khoa Môi trường.
Một sáng Chủ nhật tháng 3, hơn 50 học sinh từ Trường THPT Cao Thắng được tham dự buổi Open day tại Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Trong không khí thân thiện, PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường nhiệt tình chia sẻ về sứ mệnh của khoa trong việc đào tạo các chuyên gia môi trường tương lai, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững. Những vấn đề nóng, như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (HSE)... được thầy phân tích sâu sắc, giúp các em hiểu rõ hơn về vai trò thiết thực của ngành môi trường trong cuộc sống. “Sau khi được thầy cô giải đáp cặn kẽ, em đã hiểu thêm về ngành HSE và cảm thấy đây là một lĩnh vực rất ý nghĩa”, Nguyễn Tuấn Anh, học sinh Trường THPT Cao Thắng chia sẻ.
Bên cạnh việc trao đổi và giải đáp những thắc mắc, các học sinh có dịp tham quan hệ thống phòng thí nghiệm của Khoa Môi trường; được quan sát, trải nghiệm quá trình phân tích các mẫu nước; đo các chỉ số như độ pH, độ đục, hàm lượng oxy hòa tan… và được giảng viên giải thích ý nghĩa của từng thông số.
Phòng thí nghiệm HSE tập trung nghiên cứu về sức khỏe và an toàn trong môi trường lao động. Tuấn Anh cùng bạn bè được tìm hiểu về các loại thiết bị bảo hộ, cách sử dụng máy đo mức độ ô nhiễm không khí, mức độ tiếng ồn; đồng thời, biết thêm về phương pháp đánh giá nguy cơ ô nhiễm trong các ngành công nghiệp. “Việc trải nghiệm ở phòng thí nghiệm khiến em rất thích thú và không kém phần ngạc nhiên. Qua trải nghiệm, em nhận ra rằng, bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở bảo vệ thiên nhiên mà còn bảo về cả sức khỏe con người”, Tuấn Anh bộc bạch.
Hoạt động được nhiều học sinh mong chờ nhất là trải nghiệm tái chế rơm thành giấy. Dưới sự hướng dẫn từ các thành viên của nhóm dự án “Chuyến đi của rơm”, học sinh được tận tay thực hiện các công đoạn tạo khuôn, seo giấy, phơi khô và trang trí thành phẩm. Sau khi tự tay làm ra những tấm giấy rơm độc đáo, các học sinh còn tự tay vẽ nên những bức tranh đầy màu sắc và ý nghĩa với những thông điệp về môi trường. “Em chưa từng nghĩ những vật liệu như rơm có thể sử dụng để làm giấy. Được tự tay thực hiện từng bước và thấy thành phẩm của mình thật sự rất thú vị. Hoạt động này giúp em hiểu hơn về việc tái chế và cách chúng ta có thể tận dụng nguồn tài nguyên một cách thông minh”, Nguyễn Thùy Nhi, học sinh Trường THPT Cao Thắng cho biết.
PGS. TS.Hoàng Công Tín chia sẻ, mục tiêu của những buổi trải nghiệm Open day không chỉ là giới thiệu về ngành học mà còn truyền cảm hứng cho các em học sinh về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ông kỳ vọng rằng, những hình ảnh về các hoạt động tại phòng thí nghiệm, trải nghiệm làm giấy từ rơm… sẽ giúp học sinh có cái nhìn gần gũi hơn với lĩnh vực môi trường, là nguồn cảm hứng để học sinh suy nghĩ về việc theo học lĩnh vực này trong tương lai.