Trải lòng của giáo viên dạy học sinh 'hòa nhập'

Thầy giáo Hồ Đông, giáo viên bậc trung học cơ sở tại Tây Nam Bộ cho biết, rất nhiều học sinh thuộc diện 'hòa nhập' nhưng vẫn học theo chương trình chung khiến thầy cô giáo rất vất vả.

Trẻ em cần được dạy dỗ phù hợp với năng lực tiếp nhận của các em. Minh họa: Unsplash

Thầy giáo Hồ Đông chia sẻ, hiện nay, tại các nhà trường tiểu học, trung học cơ sở, gần như lớp nào cũng có học sinh "hòa nhập". Gọi là học sinh "hòa nhập" vì các em mắc các dạng khuyết tật về vận động; nghe, nói; nhìn; thần kinh, tâm thần; trí tuệ và các dạng khuyết tật khác.

Giáo viên vất vả dạy học sinh "hòa nhập", phụ huynh thì không thừa nhận con em bị khuyết tật

Thầy giáo Hồ Đông cho biết, trong quá trình giảng dạy nhiều năm qua, thầy giáo gặp rất nhiều học sinh "hòa nhập". Lớp ít thì 2, 3 em, lớp nhiều cũng phải trên 5 em. Trong số những học sinh này, có em thì tăng động; có em thì ngồi im không nói năng gì, không ghi chép, không học; thầy cô giáo có hỏi cũng không nói.

Đa số học sinh "hòa nhập" thường không hòa đồng nên các em thường bị bạn học xa lánh. Không ít học sinh mắc chứng tăng động, thường phá rối trong giờ học nên các em được giáo viên xếp cho ngồi tách biệt một bàn riêng.

Ai cũng biết các em là học sinh "hòa nhập" nhưng rất nhiều em không có hồ sơ, giấy tờ gì chứng minh cả. Đáng nói, thường thì cha mẹ các em cũng khó chấp nhận sự thật đó. Do đó, các em vẫn phải học theo chương trình của những học sinh bình thường.

Các em vẫn phải làm những bài kiểm tra thường xuyên, định kì theo đề chung của toàn trường, của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Khi làm bài kiểm tra, rất nhiều em chỉ viết một hai dòng hoặc nộp giấy trắng.

Tuy vậy, cuối năm giáo viên bộ môn vẫn phải tổng kết cho các em "hòa nhập" lên lớp, mỗi năm vẫn lên một lớp nhưng kiến thức các em thì hầu như không có gì. Những học sinh này không được giáo dục theo một chương trình chuyên biệt phù hợp với năng lực, khiến thầy cô giáo rất vất vả.

Nhà trường và phụ huynh cần hoàn tất hồ sơ chứng nhận học sinh "hòa nhập" để đảm bảo quyền lợi cho các em

Thầy giáo Hồ Đông có trao đổi với một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương về việc thầy cô giáo đang gặp khó khăn khi dạy học sinh "hòa nhập" thì nhận được lời khuyên "thôi vì tình thương hãy để các em theo học".

Thầy giáo Hồ Đông trải lòng, nếu vì "tình thương" mà lãnh đạo nhà trường để học sinh "hòa nhập" phải học một chương trình quá sức, và rất nhiều em bị bạn học xa lánh thì quá tội nghiệp cho các em.

Thầy giáo Hồ Đông kiến nghị, hiệu trưởng các nhà trường cần phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương hoàn tất hồ sơ chứng nhận học sinh "hòa nhập" đối với những học sinh thuộc diện này.

Theo đó, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập. Sau khi thành lập hội đồng, nếu hội đủ điều kiện thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cấp giấy chứng nhận khuyết tật theo mẫu.

Giấy chứng nhận khuyết tật là căn cứ để học sinh được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật, cũng như căn cứ để chi trả phụ cấp trách nhiệm dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.

Cùng với đó, nhà trường cần lập kế hoạch giáo dục cho đối tượng học sinh này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện dạy học sinh "hòa nhập" của các nhà trường phổ thông.

Chế độ giáo viên dạy trẻ giáo dục hòa nhập như thế nào?

Căn cứ Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP.

Điều 5 Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH nêu rõ cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật, cụ thể:

Việc tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

- Cách tính tiền phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng.

- Cách tính phụ cấp trách nhiệm người khuyết tật dạy trẻ khuyết tật được hưởng phụ cấp trách nhiệm mỗi tiết dạy là 0,2.

Mỗi tiết dạy trẻ khuyết tật hòa nhập giáo viên được hưởng thêm 20% số tiền của mỗi tiết dạy của cá nhân đó.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/trai-long-cua-giao-vien-day-hoc-sinh-hoa-nhap-179240402141216836.htm