Trách nhiệm không của riêng ai

Hiện nay, ở Bình Phước, tai nạn đuối nước ở trẻ em đã và đang trở thành nỗi lo đối với các gia đình trẻ và cơ quan chức năng khi hè về. Ngay trong những tháng đầu năm, mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước ở các ao, hồ, sông, suối xuống thấp, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, không ít bậc cha mẹ mải lo công việc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chủ quan với những sinh hoạt hằng ngày của con trẻ khiến nỗi lo ấy càng trở nên hiện hữu.

Minh chứng, 3 nữ sinh bị đuối nước ở khu vực lòng sông phía cửa xả nước của Nhà máy thủy điện Cần Đơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp ngày 17-3; 2 anh em rủ nhau đi ra rẫy ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng chơi và bị rơi xuống hồ nước dẫn đến tử vong chiều 27-3; 3 nạn nhân bị đuối nước ở nhánh sông Bé, thuộc địa phận ấp Tân Hai, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh ngày 29-4... là những vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng xảy ra mới đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng, địa phương và cả xã hội chung tay giải quyết.

Thời điểm này, khi học sinh các cấp bắt đầu bước vào những ngày nghỉ đầu của kỳ nghỉ hè năm 2024 thì cũng là lúc các trận mưa lớn kéo dài xuất hiện, khiến mực nước ở các sông, suối, ao, hồ dâng cao. Bình Phước là địa phương có nhiều ao, hồ, sông, suối nên vào dịp hè, thời tiết oi bức, trẻ em, thiếu niên ham thích vui chơi, khám phá, thường tìm đến các ao, hồ, sông, suối để tắm. Trong khi sông, suối, ao, hồ có nhiều chỗ sâu, mặt đất phía dưới không bằng phẳng, cộng với lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về bất ngờ… nên chỉ cần sơ sẩy, chủ quan có thể sẽ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả chúng ta đều có thể bảo vệ mọi người kể cả trẻ em khỏi đuối nước bằng cách hiểu biết về các mối nguy hiểm, nguy cơ. Do đó, để giảm thiểu tai nạn đuối nước, rất cần các cấp, ngành chức năng, địa phương, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước. Kể cả những hộ dân sinh sống dọc sông, suối, ven ao, hồ, giúp bà con hiểu và nâng cao ý thức về phòng, chống đuối nước cho con trẻ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục các em về ý thức phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước; vận động gia đình thường xuyên quan tâm giám sát con em mình, chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước… và tăng cường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao trong dịp hè để các em hạn chế tiếp xúc với môi trường nước.

Cùng với đó, tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn, nhất là khu vực nước sâu, hệ thống thoát nước, đập tràn nguy hiểm thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ, như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới… Đồng thời, tăng cường hướng dẫn trẻ em các kỹ năng phòng, chống đuối nước; có biện pháp xử lý, cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi xảy ra vụ việc. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần chăm sóc, quan tâm, theo dõi chặt chẽ và nhắc nhở con em cẩn trọng khi vui chơi, tắm ao, hồ, sông, suối và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích để các em có một mùa hè thật ý nghĩa.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158201/trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai