TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị doanh nghiệp 'hiến kế' để phát triển bền vững

Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng công nghiệp, logistics, giao thông, mô hình định hướng đầu tư trung tâm tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao… là những góp ý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đưa ra tại 'Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kính tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030', diễn ra ngày 22/3.

Lắng nghe để cùng phát triển bền vững

Hội nghị được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố (TP) lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 -2025) đạt hiệu quả với từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhanh chóng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022 của thành phố “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN”.

 Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, hội nghị là dịp để lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ, nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của DN đối với chính quyền thành phố. Đồng thời, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng mong muốn lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và các hiến kế từ phía DN, các nhà đầu tư để có các chinh sách hỗ trợ kịp thời nhằm động viên, khích lệ DN vượt khó cùng phát triển nhanh, bền vững và các định hướng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030.

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề để TP. Hồ Chí Minh chuyển trọng tâm từ công tác phòng chống dịch sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo nền tảng để bứt phá hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra.

Nhiều hiến kế giải pháp “nóng”

Xuyên suốt hội nghị, đại diện DN, nhà dầu tư lớn trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận đề xuất, hiến kế các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế thành phố cũng như định hướng phát triển kính tế - xã hội thành phố đến năm 2030 với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trên nhiều phạm vi chiến lược như: Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng công nghiệp, logistics, giao thông, thành lập trung tâm tài chính, thu hút đầu tư các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển nhân lực chất lượng cao… để TP. Hồ Chí Minh có những đột phá, phát triển bền vững và giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của đất nước.

Điểm nóng trong các ý kiến cũng tập trung phát triển hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều DN cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần có những chiến lược đột phá kêu gọi nguồn lực cho việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics. Đại diện Công ty KIZUNA (công ty tiên phong đầu tư và phát triển mô hình Khu công nghiệp (KCN) đồng bộ tại Long an) đã làm cầu nối cho hơn 1.000 DN FDI biết đến Long An đưa ra các ý kiến giải pháp cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng công nghiệp.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), đưa ra nhiều hiến kế giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh bền vững

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), đưa ra nhiều hiến kế giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh bền vững

Cụ thể, nhà phát triển KCN và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cần tập trung thu hút, phát triển cộng đồng DN nhỏ và vừa. Đây là nhóm DN chiếm tỷ lệ đa số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.

Theo Công ty KIZUNA, đặc thù của nhóm DN này có nguồn lực giới hạn nên rất khó khăn trong quá trình hoạt động, phát triển. Theo xu hướng phát triển và nhu cầu của thị trường, các DN muốn tồn tại và phát triển, vẫn có thể chủ động thay đổi tư duy, sử dụng nguồn lực riêng để đổi mới sáng tạo, nâng cấp đầu tư dây chuyền sản xuất, không gian sản xuất cho riêng doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần, không chỉ là đất xây dựng nhà xưởng, nhà xưởng xây sẵn, dây chuyền sản xuất…, mà là môi trường sản xuất bao gồm cả phần cứng và phần mềm giúp các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả, thành công bền vững.

Thu hút đầu tư hiệu quả thông qua việc hình thành phát triển các khu, cụm công nghiệp đồng bộ bao gồm cả phần cứng và phần mềm dành cho các DN nhỏ và vừa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung 4 nhóm ngành công nghiệp trong yếu: Cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin…

Trong ngắn hạn đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh có thể hình thành và phát triển ngay loại hình khu nhà xưởng có tầng, có dịch vụ tại các quỹ đất sẵn có trong các khu/cụm công nghiệp hiện hữu hoặc phát triển mới các cụm công nghiệp/KCN đồng bộ đã có trong quy hoạch với quy mô nhỏ vài chục ha cho 1 khu và đến năm 2030 phát triển KCN đồng bộ quy mô lớn vài trăm, vài ngàn ha theo định hướng chiến lược của thành phố.

Trong khi đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng, nhu cầu nguồn lực phát triển cho TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới là rất lớn, nhất là trong 25 năm tới, nhưng nguồn lực trong nước vẫn chưa đảm bảo, thì nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. Theo ý kiến của nhóm tư vấn, nếu có được trung tâm tài chính (TTTC), TP. Hồ Chí Minh sẽ quy tụ nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính TP. Hồ Chí Minh lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các DN, hỗ trợ đầu tư công cho thành phố và đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, phát biểu chỉ đạo hội nghị

TTTC sẽ tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng, thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác. Bên cạnh đó, TTTC có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8-10%, thậm chí cao hơn tuy thuộc vào hoạt động của các nhà đầu tư trong TTTC quốc tế Việt Nam.

Hiện nay, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực hoàn thiện Đề án TTTC, việc này cho thấy định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành TTTC quốc tế là một bước đi đúng đắn để đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng về cả ngắn hạn và lâu dài. “Cùng với việc hoàn thành đề án và cơ chế chính sách, thành phố cần xác định mô hình và định hướng đầu tư TTTC để các nhà đầu tư được tham gia nghiên cứu dự án theo đúng quy trình và qui định của pháp luật” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên - nhấn mạnh, qua các nội dung trao đổi tại hội nghị đã giúp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhìn thấy những tâm tư nguyện vọng và mong muốn lớn lao của các DN, các nhà đầu tư muốn đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Bí thư Nguyễn Văn Nên tin tưởng với sự tin cậy, đồng hành và gắn bó của các DN, các nhà đầu tư là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định đến sự thành công, giúp TP. Hồ Chí Minh phục hồi nhanh và phát triển .

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-to-chuc-hoi-nghi-doanh-nghiep-hien-ke-de-phat-trien-ben-vung-173654.html