TP Hồ Chí Minh: Thay đổi chiến lược chống dịch, tăng tốc xét nghiệm

Hơn 40 ngày sau khi phát hiện ổ dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, TP Hồ Chí Minh đã vượt Bắc Giang, trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước. Dù TP đã dồn sức chống đợt dịch chưa từng có nhưng vẫn chưa khống chế được tình hình Covid-19 nguy hiểm và phức tạp tại địa phương này.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại chung cư Teco Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại chung cư Teco Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương

3 nguyên nhân khiến số ca mắc tăng kỷ lục

Cách đây 2 tuần, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nêu quyết tâm TP sẽ chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài, quyết tâm khống chế được dịch bệnh Covid-19 trong khoảng 1 tuần (vào cuối tháng 7). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, trong khoảng thời gian 2 tuần cuối tháng 6 là cơ hội tiên quyết để TP Hồ Chí Minh hoàn tất công tác khống chế dịch. Ngược lại, nếu trong 2 tuần đó, người dân không tuân thủ tốt các chỉ thị của TP cũng như của Chính phủ thì cơ hội ấy sẽ qua. "Khi đó, TP Hồ Chí Minh sẽ đứng trước những thách thức rất lớn trong việc đối phó Covid-19" – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. Thực tế, nguy cơ đó đã xảy ra khi số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng và lan rộng ra nhiều địa phương khác, đến nay, dịch chưa có dấu hiệu chững lại.
Đặc điểm dễ thấy nhất của đợt dịch lần này là độ dài chu kỳ 1.000 ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh ngày càng ngắn lại. Giai đoạn đầu, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.000 ca nhiễm trong 51 ngày (từ 27/4 - 16/6). Tuy nhiên, sau đó, chu kỳ 1.000 ca mắc mới trung bình chỉ còn 4 ngày. Đỉnh điểm, ngày 5/7, TP Hồ Chí Minh có thêm 714 ca F0, tổng số ca bệnh hiện đã vượt mốc 7.000 người - tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Các chuyên gia dịch tễ lý giải 3 nguyên nhân khiến dịch Covid-19 tại địa phương này chưa thể khống chế. Thứ nhất, theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh. Biến thể này được WHO đánh giá có khả năng lây lan nhanh. Với chủng cũ, một người mắc bệnh có thể lây cho 2 - 4 người, còn chủng virus ở Anh thì tỷ lệ này là 7. Trong khi đó, chủng Delta có tỷ lệ lây nhiễm nhiều hơn chủng virus ở Anh từ 40 - 60%. Thứ hai, TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung mật độ lớn dân ở các khu chợ, khu đông dân cư nên sự lây lan dịch bệnh diễn ra nhanh hơn. Thứ ba, TP Hồ Chí Minh là địa bàn có những nhà máy lớn đông công nhân, khu công nghiệp. Khi một công nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng đi làm, có khả năng lây lan cho cả một quần thể người lao động.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, số ca nhiễm ở TP Hồ Chí Minh tăng nhanh, khó kiểm soát là điều đã được dự đoán trước và không bất ngờ. Mô hình lây nhiễm ở TP này có những đặc thù riêng và khác biệt so với các địa phương khác. Nếu như tại Bắc Giang, các ca nhiễm chủ yếu là công nhân tại khu công nghiệp và khu nhà trọ, phạm vi khoanh vùng được xác định rõ ràng thì ở TP Hồ Chí Minh, mức độ lây nhiễm nghiêm trọng hơn do người bệnh đa ngành nghề, đa địa phương và được phát hiện tương đối muộn.
Nhiều đề xuất cho TP Hồ Chí Minh
Trước tình trạng số ca mắc ngày càng tăng như "vết dầu loang" khắp mọi nơi, ngoài cộng đồng, trong khu cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp… theo các chuyên gia y tế, TP Hồ Chí Minh đã thay đổi chiến lược chống dịch. Trước hết, TP cần lên kế hoạch thực hiện cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo công thức 14 + 14 (sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát tại nơi lưu trú nếu đảm bảo các điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế thì cách ly tại nhà).
Ngoài việc cách ly F1 tại nhà, nhiều chuyên gia y tế còn đề xuất TP Hồ Chí Minh nên áp dụng cách ly F0 tại nhà nếu không xuất hiện dấu hiệu bệnh và triệu chứng nhẹ để giảm quá tải hệ thống điều trị. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam nêu ý kiến về vấn đề này. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, thống kê hiện tại của Việt Nam cho thấy, hơn 80% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không cần can thiệp y tế mà chỉ cần theo dõi diễn biến sức khỏe. “F0 không nhất định phải điều trị tại bệnh viện mà có thể cân nhắc tự cách ly tại nhà. Thay vào đó, hệ thống y tế cần tập trung F0 triệu chứng nặng, F0 có nguy cơ chuyển nặng cao" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Nhiều ý kiến khác đồng tình việc cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà nhưng chỉ nên coi đó là giải pháp cuối cùng khi số ca nhiễm vượt quá khả năng của hệ thống y tế.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang tăng tốc thực hiện chiến dịch xét nghiệm sàng lọc quy mô lớn nhất trong lịch sử chống dịch. Số lượng mẫu dự kiến thu thập lên đến hơn 1 triệu mẫu/ngày trong đợt này cho thấy quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để sớm ổn định tình hình của một đô thị đang có số ca mắc mỗi ngày lớn nhất cả nước. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, năng lực lấy mẫu của TP có thể đạt 1,4 triệu mẫu/ngày và công suất xét nghiệm là 450.000 mẫu gộp. Tuy nhiên, với số lượng ca mắc, số F1 và các trường hợp liên quan tăng theo cấp số nhân, số mẫu xét nghiệm ngày càng lớn, TP nên cân nhắc thêm phương án hướng dẫn và khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm cho bản thân cũng như gia đình.
Thực tế, trong những ngày qua, việc tổ chức tại các điểm lấy mẫu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập. Số lượng người tới lấy mẫu quá đông, dẫn đến quá tải, nguy cơ lây nhiễm virus cao. Bản thân người dân cũng có tâm lý lo lắng và ngại đi lấy mẫu, từ đó giảm hiệu quả sàng lọc. Nếu hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, có thể tiết kiệm rất nhiều nguồn lực về mặt kinh tế và nhân sự, giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính người dân.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, Việt Nam có thể tạo điều kiện để người dân tự lấy mẫu, xét nghiệm nhưng phải dựa trên quy định, tiêu chuẩn và hướng đi của Chính phủ. Đồng thời, quá trình theo dõi, giám sát kết quả phải được thực hiện chặt chẽ ở mức tối đa.
Đề cập đến công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh thời gian quan, một chuyên gia dịch tễ nhận định, giai đoạn đầu, TP đã chệch choạc trong khâu tổ chức truy vết, xét nghiệm, cách ly khiến số ca nhiễm được phát hiện chậm. Nhưng trong những ngày qua, TP đã có nhiều cải thiện, điều chỉnh trong chiến lược và đang dần đi đúng hướng. Tuy nhiên, song song chiến lược khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm thì việc siết chặt sự tuân thủ phòng chống dịch của người dân là điều rất quan trọng.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ ngày 15/6 đến nay có tốc độ lây nhiễm siêu nhanh, hơn 7.000 F0 mới chỉ sau 22 ngày. Riêng trong ngày 5/7, số ca mắc cao kỷ lục 714 ca, đây là con số chưa từng ghi nhận tại Việt Nam.

Các gia đình, công ty có điều kiện thậm chí có thể liên kết với một bệnh viện, phòng khám ngoài công lập đảm bảo đủ những tiêu chuẩn nhất định để lấy mẫu xét nghiệm và thông báo kết quả cho y tế địa phương. Qua đó, chúng ta thậm chí có thể phát hiện F0 nhanh hơn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh)

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-thay-doi-chien-luoc-chong-dich-tang-toc-xet-nghiem-426238.html