Tp.HCM: Vướng thủ tục nhà đất vì quy hoạch, vấn đề ở huyện Bình Chánh

Đầu tháng 3, đại diện UBND huyện Bình Chánh trao đổi với Người Đưa Tin về việc người dân gặp khó khi làm giấy tờ nhà đất do vướng quy hoạch đất nông nghiệp dự trữ.

Cần quy hoạch mới cho phát triển

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, theo chỉ tiêu sử dụng đất dự kiến phân bổ cho huyện Bình Chánh đến năm 2025, có 14.024 ha là đất nông nghiệp.

Chỉ tiêu đất nông nghiệp lớn ảnh hưởng đến việc chuyển mục đích đất ở xây dựng nhà ở riêng lẻ cho người dân có đất trong khu vực quy hoạch đất nông nghiệp.

Theo bà Thảo, UBND huyện Bình Chánh đang lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Huyện cũng sẽ kiến nghị tăng chỉ tiêu đất ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Nhất là trong giai đoạn huyện Bình Chánh định hướng phát triển lên thành phố hoặc quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng về vấn đề này, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý sau quy hoạch – pháp chế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng huyện Bình Chánh là khu vực cửa ngõ phía tây, có tốc độ phát triển đô thị cao.

Để phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn tới, khi xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh thì cần làm rõ định hướng phát triển theo tính chất đô thị cửa ngõ phía tây nam.

Trong đó có vấn đề quy hoạch đất nông nghiệp, đánh giá các khu vực phát triển nông nghiệp, công nghiệp và lưu ý các khu vực quy hoạch đất nông nghiệp không còn phù hợp.

Bất cập trong quy hoạch Bình Chánh đã diễn ra từ năm 2012. Cụ thể quy hoạch cũ quy định 40% là đất nông nghiệp, 60% là phi nông nghiệp. Trong đất phi nông nghiệp chỉ có 12% là đất ở, nhưng lại có gần 750.000 dân sinh sống.

Tại buổi làm việc với chính quyền huyện Bình Chánh hồi tháng 7/2023, ông Phan Văn Mai - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo về công tác quy hoạch.

Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận, với huyện Bình Chánh, đây là vấn đề rất quan trọng bởi sự chuyển đổi mạnh mẽ của huyện thời gian qua. Nếu huyện không có một quy hoạch tốt thì ảnh hưởng không chỉ địa phương mà còn toàn thành phố Hồ Chí Minh.

“Địa giới của Bình Chánh sẽ được cấu trúc lại, sẽ được điều chỉnh theo diện tích, theo ranh giới tự nhiên. Bình Chánh phải thể hiện hai vai trò là vệ tinh đối với thành phố trung tâm và là cánh cổng để “giao tiếp” với các tỉnh miền Tây”, ông Mãi nói.

Lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND huyện Bình Chánh tính đến việc chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp trên địa bàn. Nghĩa là làm công nghiệp nhưng là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp giá trị gia tăng lớn. Định hướng hình thành những khu công nghiệp chuyên đề, ví như chip, vi mạch, dược, vật tư y tế…

“Với vấn đề phát triển nông nghiệp, về lâu dài thì diện tích đất nông nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ giảm đi nhưng điều đó không có nghĩa nông nghiệp sẽ biến mất. Cho nên địa phương phải phát triển đô thị theo hướng đô thị sinh thái có gắn với nông nghiệp, tập trung vào những khâu như sản xuất giống cây giống, con giống”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Từng bước từ huyện lên thành phố

Bàn về quy hoạch đối với huyện Bình Chánh, Th.S Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, với những điều kiện hiện tại của huyện thì việc lựa chọn lên thành phố sẽ phù hợp lên quận. Vì xét theo tiêu chí lên quận thì huyện Bình Chánh có 4 xã không có khả năng chuyển thành phường (xã Bình Lợi, xã Qui Đức, xã Đa Phước, xã Hưng Long - hiện có khá nhiều tiêu chí chưa đạt).

Hiện tại, về tiêu chí lên thành phố thì phân loại đô thị, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, trong đó có tổng cộng bảy tiêu chí trong phân loại đô thị loại III chưa đạt. Bảy tiêu chí này gồm tỉ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỉ lệ hồ sơ chưa qua xử lý dịch vụ công trực tuyến, mật độ đường cống thoát nước chính, quy chế quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị, công trình xanh, khu chức năng đô thị khu đô thị mới...

“Nhìn chung, kế hoạch cải thiện 7 tiêu chí về phân loại đô thị từ đây đến năm 2025 là khả thi, ngoại trừ tiêu chí về mật độ đường giao thông (đạt tối thiểu 6 km/km2) đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, mới có thể hoàn thành”, bà Lan nói.

Huyện Bình Chánh có chiều dài gần 60 km nhưng hẹp ngang, chia làm 3 khu vực rõ ràng với điều kiện, định hướng phát triển khác biệt.

Huyện Bình Chánh có chiều dài gần 60 km nhưng hẹp ngang, chia làm 3 khu vực rõ ràng với điều kiện, định hướng phát triển khác biệt.

Để lên quận hay thành phố, huyện Bình Chánh cần đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông là ý kiến của ông Vương Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Hưng, hạ tầng đô thị của huyện Bình Chánh rất kém, trong khi đây là cửa ngõ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, huyện có lợi thế để phát triển giao thông đô thị, vì thành phố Hồ Chí Minh đang điều chỉnh quy hoạch chung đến 2030 và tầm nhìn 2060, trong đó, có tính đến các tuyến giao thông lớn.

Một thuận lợi khác là huyện Bình Chánh có Vành đai 3, Cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua. Ngoài ra, còn có hai dự án lớn là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đều đi qua huyện.

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh có dự án phát triển hệ thống đường sắt đô thị từ 200km hiện nay lên 500km, có nhiều đoạn hướng về huyện Bình Chánh. Cùng với tiềm năng đường thủy sẵn có, do đó, quy hoạch phát triển giao thông sẽ thuận lợi hơn.

“Về nguồn lực, thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm mô hình TOD (mô hình đô thị dọc các dự án giao thông) dọc theo Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị. Với tiềm năng đất đai dồi dào, huyện cần tận dụng mô hình này để tạo thêm nguồn lực phát triển”, ông Hưng, nhận định.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-vuong-thu-tuc-nha-dat-vi-quy-hoach-van-de-o-huyen-binh-chanh-a652019.html