TP.HCM: Nền tảng số làm tăng sự hài lòng của dân

Việc chuyển đổi số đã nâng cao chỉ số cải cách hành chính, thực sự làm tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

UBND TP.HCM mới đây đã công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện năm 2022. Theo đó, các đơn vị đều được xếp loại tốt; nhiều quận, huyện đã có sự thăng hạng so với những năm trước.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận 7. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Từ chót bảng vươn lên top 10

Một sáng cuối tháng 4-2023, chị Nguyễn Kim Oanh (phường Tân Thuận Tây) đến bộ phận một cửa UBND quận 7 để làm thủ tục. Chị cho biết từ khi chuyển đổi số, quy trình giải quyết hồ sơ đã nhanh hơn, tuy nhiên lúc mới triển khai còn một số cập rập.

“Có lần tôi nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng điền sai thông tin, phải đến UBND quận để nhờ cán bộ chỉnh sửa. Tôi mong sớm có biện pháp để giải quyết vấn đề này” - chị Oanh nói.

Trung bình mỗi tháng UBND quận 7 tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) các loại. Để đẩy nhanh quy trình giải quyết, năm 2022, quận 7 đã triển khai 75 mô hình, sáng kiến, giải pháp về công tác CCHC.

Từ một quận xếp cuối trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2021, qua một năm, quận vươn lên đứng thứ bảy trong khối 22 quận, huyện và TP Thủ Đức với nhiều mô hình, sáng kiến.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành, quận đã đánh giá lại nguyên nhân và tìm cách khắc phục, phân công người đứng đầu từng lĩnh vực rà soát, củng cố lại ban chỉ đạo CCHC, nhóm giúp việc. Đặc biệt, quận nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, phân công cán bộ theo dõi để có đánh giá hằng tuần, hằng tháng.

Đáng chú ý, quận 7 đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào kiểm tra công vụ, đánh giá chất lượng trong phục vụ và giải quyết thủ tục cho dân. “Sự hài lòng của người dân đang ngày càng được nâng lên. Đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến” - ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng cho hay năm 2021 quận đã ra mắt mô hình Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19. Từ nền tảng của ứng dụng này, quận tiếp tục ra mắt mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Đây là ứng dụng giúp số hóa các thông tin, dữ liệu của người dân trên một nền tảng duy nhất, nhằm phục vụ công tác quản lý của cán bộ và giúp người dân, doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, công sức trong các giao dịch hành chính.

Quận đã triển khai hai mô hình “Công chức trực tuyến” và “Quận 7 trực tuyến” vào giám sát tiến độ giải quyết TTHC... “Việc chuyển đổi số đã phục vụ người dân tốt hơn, hệ thống dữ liệu được khai thác kịp thời hơn...” - ông Thành nói.

“Việc giải quyết hồ sơ ngày càng nhanh chóng, đối với những người lớn tuổi hay không nhạy bén công nghệ như tôi cũng không cảm thấy rắc rối, phức tạp.”

Ông Nguyễn Văn Hùng (phường 9, quận Phú Nhuận)

Đẩy mạnh cơ chế một cửa liên thông

Còn tại UBND huyện Củ Chi, việc chuyển đổi số trong CCHC cũng được thực hiện rốt ráo. Ngay từ cổng vào bộ phận một cửa, huyện đã trang bị máy bấm số thứ tự và hai kiốt đánh giá độ hài lòng của người dân.

UBND huyện cũng trang bị thêm một máy tính để bàn và máy in nhiệt ở khu vực chờ để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. “Nếu người dân không biết cách nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công thì sẽ được cán bộ hướng dẫn cụ thể để sau này có thể tự nộp tại nhà” - anh Trần Minh Đạt, cán bộ UBND huyện Củ Chi, giới thiệu.

Bà Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Củ Chi, thông tin năm 2022, nhiều mô hình, sáng kiến về CCHC của huyện được ghi nhận, như rút ngắn thời gian giải quyết từ ba ngày còn một ngày đối với các thủ tục đăng ký kết hôn, bổ sung hộ tịch, đăng ký lại khai sinh…

Năm 2023, huyện Củ Chi đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện chỉ số CCHC thuộc nhóm 10 trong khối 22 quận, huyện và TP Thủ Đức; tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, xã đạt tối thiểu 35%-40%. Để đạt mục tiêu, UBND huyện đặt trọng tâm vào công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số với nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể.

Bà Dung nhấn mạnh trong giai đoạn tới, UBND huyện Củ Chi sẽ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp nhận TTHC của ngành dọc tại bộ phận một cửa. Đẩy mạnh sử dụng thư điện tử công vụ; ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, triển khai các dự án, hạng mục trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm, TP đã giải quyết 10.249.129/10.386.278 tổng hồ sơ tiếp nhận. Trong đó, hồ sơ đúng hạn chiếm tỉ lệ 99,8%, 20.825 hồ sơ quá hạn (chiếm tỉ lệ 0,2%), 100% hồ sơ quá hạn đã thực hiện thư xin lỗi.

TP cũng triển khai thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC theo quy định, gồm rà soát để cắt bỏ các thành phần hồ sơ về sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, CCCD... Việc này bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình thụ lý hồ sơ, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Nhân rộng các mô hình, sáng kiến CCHC tiêu biểu

UBND quận Phú Nhuận được đánh giá là địa phương có nhiều mô hình, giải pháp ấn tượng khi đứng thứ tư trên bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 trong khối 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Năm 2022, quận đã triển khai 44 mô hình, giải pháp về CCHC trên các lĩnh vực. Tại cấp quận có 24 TTHC thuộc tám lĩnh vực, tại cấp phường có 24 TTHC thuộc bảy lĩnh vực đã được rút ngắn thời gian thực hiện.

Trong đó có hai mô hình được đánh giá cao là “Phú Nhuận đồng hành” và “Ứng dụng CNTT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, Đề án 06 và thanh toán điện tử tại từng khu phố”.

“Việc giải quyết hồ sơ ngày càng nhanh chóng, đối với những người lớn tuổi hay không nhạy bén công nghệ như tôi cũng không cảm thấy rắc rối, phức tạp” - ông Nguyễn Văn Hùng (phường 9) chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng, năm 2023, quận sẽ tập trung thực hiện mô hình “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND quận”. Mô hình này hướng đến mục tiêu vận hành tốt phần mềm quản lý văn bản, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Quận Phú Nhuận sẽ tập trung số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ người dân tốt hơn.•

Người dân ngày càng hài lòng

Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác CCHC trên địa bàn.

Việc lấy ý kiến được thực hiện ngẫu nhiên trên cơ sở hồ sơ giao dịch hành chính của người dân. Thông qua đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM sẽ đánh giá kết quả thực hiện các giao dịch, thái độ của công chức, tính minh bạch về tài chính, số lần đi lại làm hồ sơ...

Kết quả cho thấy công tác CCHC năm 2022 có cải thiện rất nhiều và người dân đang ngày càng hài lòng. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến chưa hài lòng vì TTHC chưa tinh gọn, tác phong, thái độ phục vụ của công chức chưa tốt…

BẢO PHƯƠNG - VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-nen-tang-so-lam-tang-su-hai-long-cua-dan-post743848.html