TP HCM: Năm 2030 số người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ đạt 62%

Theo đó, TP HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 62% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn.

Theo đó, TP HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 53% lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; 51% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có ít nhất 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.

Đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 57% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; Có khoảng 53% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Có ít nhất 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 95%.

Đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; Có khoảng 57% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thất nghiệp; Có ít nhất 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 98%.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, TP HCM đề ra các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật, chế độ về BHXH đến nhân dân thành phố; Nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH; Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn.

Nguyễn Hồng

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tp-hcm-nam-2030-so-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-se-dat-62-d2069126.html