TP.HCM: Các trường không được thu quá 35.000 đồng/suất ăn trưa bán trú

Quy định bữa ăn trưa bán trú của học sinh là 35.000 đồng/1 suất, nhưng nhiều trường tự thỏa thuận với phụ huynh thu cao hơn mức giá trên, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị, các trường cần phải thực hiện đúng theo quy định.

Chia sẻ về việc các trường công lập tổ chức bán trú tự thỏa thuận với phụ huynh nâng mức tiền ăn trưa lên cao hơn so với quy định, chiều 2.11 ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, cho biết theo Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM ban hành ngày 12.7.2023 quy định mức giá trần bữa ăn trưa của học sinh bán trú tại các trường công lập là 35.000 đồng/ suất. “Quan điểm của Sở GD-ĐT là các trường phải thực hiện theo đúng Nghị quyết 04”, ông Minh nhấn mạnh.

Bữa ăn trưa của các học sinh bán trú trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: PV

Bữa ăn trưa của các học sinh bán trú trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: PV

Theo ông Minh, trước khi ban hành Nghị quyết 04, ngành giáo dục đã dựa trên các nội dung thống kê của 3 năm gần nhất để đưa ra các nội dung giáo dục cũng như giá trần của mức thu. Khi có những nội dung đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các nơi, từ quận huyện đến các trường và đăng công khai trên cổng thông tin của Sở GD- ĐT để biết những định mức sẽ trình, trong đó có định mức giá trần.

“Đến thời điểm này, định mức tiền ăn trưa 35.000 đồng/ suất là phù hợp nhất khi trình cho HĐND TP. Do đó, suất ăn trưa 35.000 đồng/ suất là bắt buộc các trường phải thực hiện, không có đơn vị nào được thực hiện ngoài nội dung này” ông Minh nói.

Đối với những trường không thực hiện được với lý do 35.000 đồng/suất ăn trưa không đủ, không tổ chức bữa ăn trưa, ông Minh cho biết, các trường phải thực hiện các nội dung giám sát. Nếu các học sinh xuống căn tin ăn trưa thì phải giám sát về giá, chất lượng bữa ăn, an toàn thực phẩm cho học sinh.

“Sau năm học 2023-2024 chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lấy ý kiến, tham khảo và sẽ trình lại cho HĐND TP cho năm học sau”, ông Minh cho biết thêm.

Liên quan đến thông tin một nữ sinh trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) bị bạn đánh, ông Minh cho biết, hành vi của con trẻ không phải chỉ có trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội.

“Bạo lực học đường trong nhà trường gây rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục, khi có sự việc xảy ra, quan điểm của ngành là kiên quyết xử lý triệt để. Sở GD-ĐT đã đưa tiêu chí trường học hạnh phúc vào toàn ngành để xây dựng trường học thân thiện, xây dựng hình ảnh trường học ngày càng đẹp hơn”, ông Minh chia sẻ.

Ngành giáo dục kiên quyết chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, ngoài việc xử lý thì phải thực hiện công tác giáo dục bởi học sinh ở độ tuổi học đường với sự tương tác từ mạng xã hội và xã hội hiện đại thì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục phải đặt trách nhiệm xây dựng văn hóa học đường vào nhiệm vụ trọng tâm. Làm sao để học sinh hạnh phúc khi đến trường là tiêu chí quan trọng.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-cac-truong-khong-duoc-thu-qua-35-000-dong-suat-an-trua-ban-tru-208338.html