Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam: Viết chương mới cho một 'câu chuyện đẹp'
Hai mươi mốt phát đại bác rền vang chào mừng Tổng thống Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần thứ năm đến Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thống Putin mang tính biểu tượng lịch sử.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; khẳng định cam kết duy trì và phát triển Đối tác chiến lược toàn diện; tạo xung lực mới cho “câu chuyện đẹp” kéo dài đã hơn bảy thập kỷ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Putin hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; gặp gỡ lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam và các thế hệ sinh viên Việt Nam từng du học tại Nga.
Trước sau như một
Có thể khẳng định với lòng tin chính trị cao, trước bất kể những đổi thay về thể chế chính trị, hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu. Quan hệ Việt Nam-LB Nga ngày nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ. “Lòng tin vững vàng” chính là tinh thần xuyên suốt các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Putin và lãnh đạo cấp cao Việt Nam dịp này.
Hội đàm với Tổng thống Putin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh coi trọng quan hệ song phương và mong muốn Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt tiếp tục phát triển, trước sau như một, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và coi trọng quyền lợi của nhau.
Nguyên tắc của quan hệ song phương được các nhà lãnh đạo hai nước tiếp tục nhấn mạnh trong các trao đổi. “Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dựa trên nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba có hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền lợi ích của nhau, tích cực đóng góp cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới”, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại buổi họp báo kết quả hội đàm.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các bên, giao lưu giữa các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, nhân dịp này, hai bên thông qua Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga. Đây có thể được coi như “kim chỉ nam” mới cho hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Đánh thức “gã khổng lồ”
Xác định hợp tác kinh tế là lĩnh vực trụ cột của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; sớm đàm phán nâng cao hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; khơi thông vướng mắc trong tác động không thuận của kinh tế thế giới; tạo thuận lợi cho đầu tư; đẩy mạnh nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch… Một loạt những gợi mở trong hợp tác kinh tế được các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đề cập dịp này gợi nhớ tới hình ảnh đánh thức “gã khổng lồ đang ngủ”, nhận định của Phó Thủ tướng Chernyshenko nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2023 về tiềm năng hợp tác kinh tế Việt-Nga.
Đến Việt Nam lần này, Tổng thống Putin dường như đặt nhiều tâm huyết đối với câu chuyện hợp tác kinh tế. Trước khi đến Việt Nam, ông chủ Điện Kremlin đã gửi một bài viết đăng tải trên Báo Nhân Dân, trong đó dành dung lượng lớn nêu bật những nền tảng hợp tác vững chắc giữa hai nước, cụ thể hóa nhiều câu chuyện thực tiễn để củng cố tinh thần vững tâm tiến về phía trước của doanh nghiệp hai nước. Đó là câu chuyện của liên doanh Rusvietpetro, Tập đoàn Gazprom, Công ty RusHydro, TH group…
Với “bài toán khó” như vấn đề thanh toán, Tổng thống Putin chỉ ra triển vọng hai nước có khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ - Ruble Nga và Đồng Việt Nam. Năm ngoái, những giao dịch như vậy chiếm hơn 40% giao dịch thương mại song phương. Quý I năm nay, tỷ lệ này đã đạt gần 60%.
Thời gian qua, hợp tác kinh tế song phương chịu tác động không nhỏ từ tình hình kinh tế toàn cầu cũng như nhiều yếu tố khác, tuy vậy, quan hệ hợp tác vẫn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu tích cực.
Hợp tác năng lượng và dầu khí vẫn “tỏa sáng”, khối lượng dầu do Vietsovpetro sản xuất trong những năm qua đã vượt 250 triệu tấn. Biểu tượng Vietsovpetro tạo nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” của Nga đến Việt Nam, nhắm đến các lĩnh vực chủ chốt như máy móc, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhân dịp này, hai bên ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga. Lãnh đạo hai nước cũng đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện được ký kết trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, tư pháp, thể dục thể thao…
Luôn có nhau trong tim
Thăm Việt Nam lần thứ năm, nhất là sau khi Tổng thống Putin vừa nhậm chức nhiệm kỳ mới thể hiện tình cảm và sự coi trọng của ông chủ Điện Kremlin đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Năm 2001, Tổng thống Putin từng có cuộc gặp với những người Việt Nam đã học tập tại Nga. Dịp này, Tổng thống một lần nữa có cuộc hội ngộ như vậy tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Ngay những dòng đầu trên bài viết đăng Báo Nhân Dân, Tổng thống Putin viết: “Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam và là người bạn lớn của đất nước chúng tôi chính là người khởi nguồn mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước chúng ta. Nước Nga luôn ghi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà yêu nước, nhà chính trị và chính khách kiệt xuất, người luôn kiên định bảo vệ chủ quyền và tự do của Tổ quốc”. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống đã đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người bạn lớn của nước Nga, trong trái tim người dân Nga.
Đã có không ít câu chuyện lay động lòng người về tình bạn, tình đồng chí giữa hai nước. Tiến sĩ V. S. Vovk, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (1988-1993) từng chia sẻ cảm nghĩ khi là một trong những người Liên Xô sang Việt Nam hỗ trợ phát triển dầu khí: "Tôi và các đồng nghiệp buộc phải rời nhà đi xa, đến một đất nước đang bị tàn phá sau chiến tranh... Chúng tôi đến đây không phải để nghỉ ngơi trên những bãi biển đẹp mà là để làm việc ngày đêm bên những khối sắt thép hàn bỏng rẫy. Tôi luôn kinh ngạc vì một đất nước đang chịu cảnh thiếu thốn tài nguyên (Liên Xô) mà đã quyết định dành hỗ trợ kinh tế cho một đất nước khác còn khó khăn hơn nhiều”.
Tình hữu nghị vượt qua thử thách của thời gian được các nhà lãnh đạo hai nước gợi nhắc trong các trao đổi cấp cao với một nhận định chung rằng tài sản vô giá đó tiếp tục là nền tảng vững chắc để tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chung nguyện vọng
Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của LB Nga, một cường quốc Á-Âu với chính sách hướng Đông gắn liền với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đang phát triển năng động nhất trên thế giới. Với nước Nga, “Việt Nam là một nền văn minh lâu đời, rực rỡ và độc lập trong bức tranh toàn cảnh của một thế giới đa cực… Chúng ta có những đánh giá tương đồng về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Tổng thống Putin nhận định trong bài viết. Do vậy, xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng của cả hai nước.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong các trao đổi cấp cao lần này, hai nước nhấn mạnh ủng hộ xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dân chủ, công bằng, minh bạch dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên hợp quốc, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mới, mở rộng, bao trùm minh bạch, công khai và không phân biệt đối xử dựa trên Tổ chức thương mại thế giới; thúc đẩy liên kết kinh tế bao gồm APEC, G20, ASEAN và Hợp tác kinh tế Á-Âu…
Liên quan đến Biển Đông, hai bên ủng hộ và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Nhiều người dân Việt Nam thao thức theo dõi chuyên cơ hạ cánh. Hà Nội đón Tổng thống Putin bằng những con đường rợp cờ Việt-Nga. Một Tổng thống đến từ nước Nga quen thuộc, gần gũi với Việt Nam và cũng một Việt Nam đã trở nên thân thuộc với vị khách Điện Kremlin, bởi vậy, chuyến thăm còn là sự hội ngộ!