Tổng thống Pháp cam kết dồn sức ngăn chặn dịch Covid-19
Tối 25-3, Bộ Y tế Pháp xác nhận thêm 2.929 ca nhiễm và 231 ca tử vong, mức tăng vẫn rất đáng lo ngại ở nước này. Trước tình hình đó, Tổng thống Pháp khẳng định quyết tâm huy động tất cả lực lượng để khống chế bệnh dịch, đồng thời thông báo về kế hoạch đầu tư và nâng cấp quy mô lớn cho hệ thống bệnh viện.
Tính tới tối 25-3, số người nhiễm và tử vong do virus corona ở Pháp đã lên tới 25.233 và 1.331. Thống kê này chưa bao gồm những người có thể đã chết vì bệnh dịch ở nhà hoặc tại các khu dưỡng lão vì Bộ Y tế Pháp chỉ công bố những trường hợp được phát hiện và điều trị trong bệnh viện. Như vậy số nhiễm và tử vong thực tế ở Pháp có thể cao hơn.
Phát biểu trong chuyến thăm bệnh diện dã chiến của quân đội tại thành phố Mulhouse thuộc tỉnh Haut-Rhin ở vùng Đông Bắc (Grand Est), một trong những điểm nóng nhất bị dịch bệnh, Tổng thống Emmanuel Macron nhắc lại rằng nước Pháp đang phải tham gia một cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình và hiện dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi. Người đứng đầu nước Pháp kêu gọi tất cả mọi người đoàn kết vì chỉ bằng quyết tâm và sức mạnh tập thể, bệnh dịch mới sớm được khống chế.
Tổng thống Emmanuel Macron thăm bệnh viện dã chiến ở TP Mulhouse. Ảnh: Le Monde-AFP.
Khi tình hình tại "ổ dịch" Mulhouse tới mức báo động, ngày 16-3, Tổng thống Pháp đã quyết định xây dựng một bệnh viện dã chiến tại đây và do lực lượng quân y đảm trách. Diễn biến của bệnh dịch còn rất phức tạp, nhất là khi dịch đạt đỉnh, vì vậy Tổng thống Pháp thông báo quyết định khởi động chiến dịch ứng phó bệnh dịch (Chiến dịch Phục hồi) theo đề nghị của Bộ trưởng Quân đội và Tổng tham mưu trưởng. Theo đó, binh lính sẽ giúp người dân phòng chống bệnh dịch, tham gia hoạt động y tế, hậu cần và bảo đảm an ninh. Việc huy động quân đội tham gia chống dịch bệnh như ở Mulhouse cũng sẽ được triển khai ở các nơi khác bị ảnh hướng nặng nề.
Chia sẻ những điều kiện khó khăn và cả sự hy sinh của các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch bệnh, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định rằng sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội và ngành y sẽ đưa nước Pháp vượt qua cuộc khủng hoảng bệnh dịch. Ông nói: Sau khi bệnh dịch được khống chế, Nhà nước sẽ đầu tư và nâng cấp ở quy mô lớn cho hệ thống bệnh viện.
Thông báo về tình hình dịch bệnh ở Pháp, Tổng Cục trưởng Y tế Jérôme Salomon cho biết dịch bệnh ngày càng lây lan rộng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các bệnh viện ở Pháp phải tiếp nhận, điều trị quá nhiều bệnh nhân nhiễm một loại bệnh dịch duy nhất trong đó có gần ba nghìn người được chăm sóc đặc biệt.
Theo ông Jérôme Salomon, những trường hợp nhiễm bệnh đều được xét nghiệm bằng phương pháp sinh học phân tử (PRC) và hệ thống y tế hoạt động hết công suất, tăng thêm giường hồi sức cấp cứu từ 5.000 lên 8.000. Hiện các bệnh viện ở Pháp phải cứu chữa cả bệnh nhân Covid-19 và những người mắc các bệnh nghiêm trọng khác. Chính phủ Pháp cũng yêu cầu các hiệu thuốc chỉ bán thốc chữa sốt rét hydroxychloroquine theo đơn của bác sĩ vì nguồn cung cấp có hạn và cần có bằng chứng chắc chắn về hiệu quả trong điều trị bệnh Covid-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud cho biết, do bệnh dịch và các biện pháp hạn chế di chuyển, hiện có 1,2 triệu người tạm thời phải nghỉ việc, tăng 500 nghìn trong vòng 24 giờ qua. Có tới 100 nghìn doanh nghiệp bị gián đoạn hoặc ngừng hoạt động.
Tình hình bệnh dịch ở các nước EU khác cũng chưa có dấu hiệu đi xuống. Italy xác nhận thêm 683 ca tử vong và 5.210 ca nhiễm, giảm hơn so một ngày trước nhưng vẫn ở mức rất cao.
Tại Tây Ban Nha, số người tử vong đã cao hơn ở Trung Quốc, lên tới 3.445 trong đó có 454 trường hợp mới được xác nhận trong ngày 25-3. Ông Fernando Simon, điều phối viên các trường hợp khẩn cấp của Bộ Y tế, cho biết số xét nghiệm ngày càng nhiều, do đó phát hiện thêm số người bị nhiễm. Kết quả này dẫn tới tình trạng quá tải báo động ở các bệnh viện, dù vẫn chưa tới đỉnh dịch.
Đức có thêm 3.332 ca nhiễm mới và 47 ca tử vong. Cùng với việc đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sự di chuyển của người dân, Chính phủ Đức vừa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với lao động thời vụ đến từ các nước từ ngày 25-3. Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức cho biết, mục đích của quyết định này là nhằm ngăn chặn sự lây lan từ bên ngoài dù ngành nông nghiệp phản đối do thiếu nhân lực trầm trọng cho vụ thu hoạch quan trọng hiện nay. Lệnh cấm này cũng có hiệu lực đối với tất cả công dân của các nước thành viên trong Liên minh châu Âu. Mỗi năm, Đức nhận khoảng 300 nghìn lao đồng thời vụ cho ngành nông nghiệp, phần lớn đến từ Romania và Ba Lan. Cùng ngày, Quốc hội Đức thông qua kế hoạch hỗ trợ lên tới 1.100 tỷ euro nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối phó và khắc phục hậu quả của bệnh dịch.
Thụy Sĩ xác nhận thêm 660 ca nhiễm và 27 ca tử vong. Số người nhiễm mới ở nước này vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực vì duy trì quy mô xét nghiệm rất lớn ngay từ khi dịch bùng phát. Chỉ có gần 8,6 triệu dân, nhưng Thụy Sĩ tiến hành xét nghiệm cho khoảng 8 nghìn người/ngày. Đây là tỷ lệ rất cao như các nước Hàn Quốc, Na Uy hay các Tiểu vương quốc A-rập. Tính tới ngày 25-3, có hơn 10.500 ca nhiễm và 149 ca tử vong ở nước này.
KHẢI HOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp