Tổng kết và trao giải cuộc thi 'Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An'
Sáng 14-11, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi 'Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An'.
Đây là sự kiện thiết thực kỷ niệm 650 năm Ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1370-2020); tôn vinh truyền thống hiếu học, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
Với nhiều đóng góp cho nền Văn hóa - Giáo dục của Việt Nam và khu vực, tháng 11-2019, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 - 1370) được Đại hội đồng UNESCO Thế giới vinh danh và ra Nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất vào năm 2020.
Thực hiện cam kết với Tổ chức UNESCO và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2020), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2020), Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" dành cho học sinh các trường học mang tên Thầy giáo Chu Văn An trong cả nước và các trường học khác tại Hà Nội. Bên cạnh việc tạo sân chơi sáng tạo, lành mạnh, Cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" còn giúp các em học sinh hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Thầy giáo Chu Văn An trong nền văn hóa, giáo dục của đất nước.
Được phát động từ tháng 6-2020, cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" hướng tới học sinh các trường mang tên thầy giáo Chu Văn An trên cả nước và các trường học khác trên địa bàn Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh đến từ hơn 30 trường học, lớp sáng tác.
Cuộc thi nhằm thể hiện lòng tri ân của của các thế hệ người dân Việt Nam – một dân tộc có truyền thống "Tôn sư trọng đạo" – đối với một trong những thầy giáo ưu tú nhất của nền giáo dục nước nhà. Thông qua cuộc thi, các em học sinh sẽ có những hiểu biết sâu sắc thêm về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp cho nền văn hóa, giáo dục đất nước của thầy giáo Chu Văn An. Từ đó, góp phần khích lệ lòng tự hào dân tộc, lan tỏa đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, coi trọng các bậc hiền tài… trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam.
Cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" dành cho học sinh các trường mang tên thầy Chu Văn An trên cả nước cũng như các học sinh yêu thích tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An. Các tác phẩm tham dự thể hiện trên nhiều hình thức, như: Bài viết (không quá 1200 từ); kể chuyện dưới dạng video clip; tiểu phẩm; truyện tranh khổ A4; tranh vẽ khổ A3…
Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức như: Bài viết, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác ca khúc, tượng, viết thư pháp... Trong đó, nhiều tác phẩm được thực hiện công phu, thể hiện tình cảm, sự hiểu biết của bản thân đối với người thầy lỗi lạc của đất nước. Vẽ tranh về thầy, các em học sinh cũng sử dụng nhiều chất liệu đa dạng và độc đáo để thực hiện bài thi của mình.
Nhiều sản phẩm được các em ứng dụng công nghệ như: Dựng phim hoạt hình, dựng clip bằng máy tính, smartphone… Bên cạnh lại có những sản phẩm được các em sử dụng những chất liệu giản dị, gần gũi với đời sống như: Hạt gạo, hạt đậu, mảnh gốm sứ, giấy vụn...
Ban Tổ chức mong muốn, cuộc thi sẽ là tiền đề khơi gợi niềm yêu thích môn lịch sử, tìm hiểu danh nhân, tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc cho các em thí sinh. Từ đó khích lệ các em noi theo gương sáng của bậc tiền nhân say mê học tập, tự rèn luyện vươn lên đạt thành tích ảnh.
Tại sự kiện, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Nhuệ, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cho biết, nhiều tác phẩm thực sự gây xúc động. Từ góc nhìn của các học sinh, danh nhân Chu Văn An hiện ra thực sự sống động, một người thầy tài cao, đức trọng nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, yêu thương. Qua đó, thấy được sự công phu, tâm huyết của các trường và các học sinh đồng thời, cuộc thi đã góp phần khích lệ niềm tự hào về truyền thống hiếu học, thúc đẩy các em noi sáng của các bậc tiền nhân say mê học tập, tự rèn luyện vươn lên trong học tập.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, cuộc thi đã vượt ra khỏi tính chất phong trào, trở thành một sân chơi sáng tạo, lành mạnh, khơi gợi niềm yêu thích môn lịch sử, tìm hiểu danh nhân. Qua đó khích lệ niềm tự hào về truyền thống hiếu học, thúc đẩy các em noi theo các bậc tiền nhân say mê, tự rèn luyện vươn lên trong học tập.
Từ các tác phẩm dự thi, Ban giám khảo đã chọn 472 tác phẩm vào vòng chung khảo, tổ chức chấm và xét giải cho 77 cá nhân có tác phẩm dự thi xuất sắc nhất ở 6 loại hình sáng tác. Trong đó, có 6 giải Nhất, 11 giải Nhì, 16 giải Ba, 39 giải Khuyến khích và 5 giải chuyên đề. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 6 giải tập thể cho các trường có số lượng bài dự thi cao, đạt chất lượng tốt.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi: