Tổng kết, luật hóa những cơ chế đặc thù hiệu quả

Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 43 về hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội và các Nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay, Quốc hội nên xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, các cơ chế chính sách đặc thù đã phát huy hiệu quả cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để có thể luật hóa.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam): Tiếp tục hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và chính sách tài khóa, tiền tệ đóng góp rất lớn trong vai trò hỗ trợ, nâng đỡ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, chống chịu trước những biến động của thị trường do tác động của tình hình trong nước và quốc tế, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm một số nội dung sau:

Một là, đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó tiếp tục áp dụng các chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng để tạo điều kiện cho người dân; cho phép kéo dài thời gian thực hiện để giải ngân và giải ngân các dự án năm 2025.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam)

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam)

Hai là, đề nghị Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.

Ba là, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong khi chờ sửa đổi Luật Khoáng sản, đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép các địa phương đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các dự án đầu tư tại địa phương. Riêng khu vực miền núi, đề nghị cho chỉ định thầu khai thác khoáng sản, vật liệu thông thường để khơi thông ách tắc và đẩy nhanh thực hiện các dự án, công trình của địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bốn là, đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo chương trình tín dụng trước đây theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ để tạo niềm tin cho các ngân hàng thương mại trong triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua những giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang):Cần tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Tôi thống nhất cao với các đề xuất của Đoàn giám sát cũng như các nội dung đã đề ra trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội, đồng thời kiến nghị một số nội dung sau:

Đối với Quốc hội: đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43 với điều kiện vay dễ định lượng hoặc giao cho ngân hàng thương mại thẩm định và chịu trách nhiệm về điều kiện vay để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc tiếp cận nguồn vốn.

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang). Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang). Ảnh: Lâm Hiển

Đối với Chính phủ, cần xem xét bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28 năm 2022 đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo phù hợp đối tượng được thụ hưởng quy định tại mục b điểm 3 Điều 1 Nghị quyết số 88 năm 2019 của Quốc hội; bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp thuê.

Đối với các bộ, ngành, Trung ương: đề nghịkhẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế gắn với phục hồi nhanh và phát triển bền vững; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, khắc phục những bất cập, hạn chế như trong báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu.

Đối với các địa phương: cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành các dự án và bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án; tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh theo quy định.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định): Những dự án đủ điều kiện, chỉ còn chờ vốn thì cần linh hoạt, tránh lãng phí

Về kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân, thực hiện các dự án, điều chỉnh chuyển nguồn..., tôi đề nghị Quốc hội giao Chính phủ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, hiệu quả các chương trình, dự án cụ thể, khả năng cân đối nguồn lực để có đề nghị cụ thể. Việc xem xét này phải hết sức khách quan, thận trọng, vì thực tế trong bối cảnh khó khăn trăm bề như giai đoạn vừa qua, các địa phương phải khảo sát, đánh giá, đề xuất công trình, dự án, cân đối nguồn vốn, rất mất thời gian, công sức, kể cả kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, có những dự án không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, nhưng việc dừng các dự án này cũng không phải dễ dàng, sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định). Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định). Ảnh: Lâm Hiển

Do đó, tôi đề nghị, với những dự án đã được các ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mà chỉ còn chờ vốn thì phải linh hoạt để bố trí vốn hoặc cho ứng vốn thực hiện, bảo đảm tiến độ và tránh lãng phí. Đối với những chương trình dự án khác, chúng ta cần phải xem xét cụ thể từng nội dung để có cho phép hay không cho phép tiếp tục thực hiện dự án.

Trong giai đoạn khó khăn của đất nước, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực để có các quyết sách giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Giai đoạn khó khăn đã qua đi, tuy nhiên việc đánh giá, rút kinh nghiệm là rất cần thiết trong quá trình Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, ban hành các quyết sách và chính sách. Tôi kiến nghị những vấn đề như quy trình, quy định khi ban hành các chính sách trong các giai đoạn, điều kiện đặc biệt, có tính đặc thù, kể cả việc đánh giá tác động chính sách, sự tương thích nguồn lực bảo đảm, việc điều chỉnh chuyển nguồn, chuyển công năng sử dụng khi không còn phù hợp cần được Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rút kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách, quyết sách, từ đó có tổng kết để luật hóa một số nội dung, nhất là các quy định pháp luật liên quan khi áp dụng cơ chế chính sách đặc thù thấy có hiệu quả tốt.

Nguyễn Bình ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tong-ket-luat-hoa-nhung-co-che-dac-thu-hieu-qua-i372859/