Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Ngày 30/6, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Trung ương Đảng có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Quang Tiến Ủy viên BTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; Lương Đức Minh, Tỉnh ủy viên, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh.

Chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; Đinh Ngọc Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh.

Dự hội nghị có đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên BCĐ PCTN, tiêu cực tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND; UBND; Ủy ban MTTQ tỉnh.

Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND; UBND; Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh: Trà Hương

Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND; UBND; Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh: Trà Hương

Hội nghị được tỉnh kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn.

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC trình bày đã nhấn mạnh: Sau 10 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư; cùng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân và báo chí, công tác PCTN, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển KT-XH của đất nước.

Trong đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự.

Việc xử lý được thực hiện rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đây là bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội, PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Công tác cán bộ được chú trọng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong xã hội; vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, Nhân dân và báo chí trong PCTN, tiêu cực được phát huy tốt hơn….

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã đánh giá những hạn chế, yếu kém của công tác PCTN, tiêu cực trong 10 năm qua và chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của hội nghị tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, trong đó, có bài học sâu sắc về công tác cán bộ: Phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; phải tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hội nghị được tổ chức cũng nhằm truyền cảm hứng cho lãnh đạo các địa phương, cơ sở trong công tác PCTN, tiêu cực. Qua kết quả đạt được về PCTN, tiêu cực, cấp ủy, tổ chức Đảng, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị cao, biện pháp thích ứng phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực. Ban Nội chính Trung ương phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, CCVC và nhân dân.

Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Bộ Chính trị nêu trong báo cáo tổng kết, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực Nguyễn Phú Trọng lưu ý một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Công tác PCTN, tiêu cực cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá quan trọng.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế, chính sách về KT-XH, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị TSVM toàn diện.

Gắn công tác PCTN, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, gắn PCTN, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; phòng chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN. Kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực; phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng trong PCTN.

BCĐ PCTN phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng PCTN thực thi nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh, phải trung thực, liêm chính, chí công vô tư. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành hiệu quả trong các cơ quan làm công tác PCTN.

Các giải pháp PCTN, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi cơ quan, đơn vị.

Trong từng giai đoạn khác nhau phải xác định được nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả.

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trước hết, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; rà soát, sửa đổi những bất cập, sơ hở về thể chế để "không thể tham nhũng, tiêu cực", "không dám tham nhũng" và "không cần tham nhũng".

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực, các lĩnh vực chuyên sâu, hoạt động khép kín, bí mật để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Cùng với đó, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông và nhân dân trong PCTN, tiêu cực.

Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực. Trước mắt là thành lập và triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.

Hoàng Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/79126/tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html