Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng: Cần kiểm soát toàn diện tiến độ Dự án NMNĐ Thái Bình 2
Sáng ngày 23/8, tại huyện Thái Thụy – tỉnh Thái Bình, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng dẫn đầu kiểm tra tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2.
Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng giám đốc PVN, Nguyễn Đình Thế - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC), Nguyễn Ngọc Hải - Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo Ban QLDA, các nhà thầu tham gia xây dựng tại công trường.
Tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đạt khoảng 85%. Trong đó, thiết kế đạt 99,63%; ký các Hợp đồng mua sắm đạt khoảng 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 82,14%, chạy thử đạt 3,52%.
Công việc còn lại chủ yếu là công tác hoàn thiện các hạng mục gia công chế tạo và lắp đặt kết cấu thép (KCT) hệ thống vận chuyển than, kéo cáp hệ thống nước làm mát, các gói thầu phục vụ công tác chạy thử như: thông rửa đường ống bằng dầu, xử lý nước thải sau súc rửa, cung cấp dầu mỡ, hóa chất, thông thổi đường hơi chính và đi tắt cao, hạ áp và các công trình phục vụ môi trường (giám sát phát thải liên tục, hồ kiểm chứng nước thải).
Báo cáo tại buổi giao ban, Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Ngọc Hải cho biết, NMNĐ Thái Bình 2 dự kiến phát điện Tổ máy số 1 vào tháng 6/2020 và Tổ máy số 2 vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, để hoàn thành theo tiến độ, dự án đang gặp phải một loạt các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của PVN và đã được PVN nhiều lần báo cáo, đề xuất lên các cấp, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Bởi vậy, cần các cấp Bộ, ngành, Trung ương hỗ trợ tích cực để dự án không tiếp tục trượt tiến độ.
Tính đến ngày 23/8/2019, giá trị khối lượng công việc thực tế trên công trường được nghiệm thu thanh toán lũy kế (trước thuế, quy đổi VNĐ) lên tới gần 31 ngàn tỉ đồng. Nhưng việc giải ngân vốn vay nước ngoài còn lại (khoảng 326 triệu USD) và tìm kiếm nguồn vay tiếp (khoảng 7.100 tỷ đồng) theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay đã được phê duyệt không thể thực hiện, dù PVN đã nỗ lực làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước, đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành lắp đặt các thiết bị chính, tuy nhiên hiện còn một số các hạng mục công việc và thiết bị phụ còn dở dang, chưa kết thúc công tác lắp đặt dẫn đến công tác chạy thử bị chậm. Việc tranh chấp về thời hạn bảo hành thiết bị kéo dài, tiềm ẩn rủi ro cho Tổng thầu và Chủ đầu tư.
Ban QLDA đã liên tục đốc thúc Tổng thầu lưu ý đảm bảo tính đồng bộ của các hạng mục công trình trong giai đoạn hoàn thành nhà máy. Mặt khác, công tác hoàn thiện quyết toán của Tổng thầu PVC rất thấp. Theo cơ chế 2414, nghiệm thu thực tế đơn giá tạm nên công tác nghiệm thu hoàn thiện chất lượng, tổng hợp hồ sơ theo giá nguyên vật liệu đầu vào cũng chưa được tốt nên chưa có được một đơn giá chính thức.
Về vấn đề thiết bị, trong khi thực hiện vận hành thử các thiết bị tĩnh và một số hệ thống phụ trợ cho thấy toàn bộ thiết bị tại dự án đều có chất lượng cao. Cụ thể như hệ thống bơm nước ngọt (tuyến ống 15km), hệ thống xử lý nước, sân phân phối điện… đều có hiệu quả tốt, vận hành có tính tin cậy cao.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, các nhà thầu cùng các ban chuyên môn Tập đoàn, Ban QLDA cho rằng cần có một cơ chế linh hoạt thực hiện các gói thầu thi công, mua sắm trong giai đoạn hoàn thành dự án về hạng mục súc rửa đường ống, chạy thử toàn bộ dự án. Đặc biệt là xử lý các hợp đồng mua sắm trong nước khi một số gói vượt giá dự toán do thực tế giá nguyên vật liệu và nhân công lên cao so với thời điểm lập dự toán.
Tính đến hết ngày 23/8, dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã đạt 16 triệu giờ công an toàn. An toàn trên công trường luôn được giám sát chặt chẽ, phối hợp tốt từ Ban QLDA đến các nhà thầu. Bất cứ khu vực nào tiến hành chạy thử đều được khoanh vùng, đảm bảo an toàn cho công nhân và vật tư theo quy trình an toàn chạy thử. Dự kiến, trong tháng 9 có thể đánh giá môi trường dự án hoàn thiện và sẽ được Bộ TNMT cấp phép xả thải.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã lắng nghe ý kiến, đề xuất của Ban QLDA, Tổng thầu PVC, các nhà thầu tham gia xây dựng dự án và chuyên gia giám sát quốc tế tại dự án. Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh cũng đã khái quát lại tình hình dự án, điểm ra những khó khăn chính về tài chính, hệ thống thanh quyết toán, hoàn thiện hồ sơ chất lượng, hồ sơ quyết toán của các nhà thầu.
Kết luận giao ban trên công trường, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực của cán bộ công nhân viên Ban QLDA, các nhà thầu. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, vượt khó của các nhà thầu đang bám trụ trên công trình, quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành dự án.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Sau khi trao đổi, tôi nhận thấy rằng muốn dự án thành công còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều việc phải làm. Tôi đề nghị: với Ban QLDA, công tác quản trị cần hoàn chỉnh hơn, tổ chức của ban, hệ thống xử lý công việc, điều hành hàng ngày, phối hợp với Tổng thầu, nhà thầu, các phòng ban, tài chính, kế hoạch hợp đồng, công nghệ…; Phải cập nhật lại tiến độ, tiến độ chi tiết so với mục tiêu đặt ra. Khi nào PIC (Chứng chỉ phát điện tạm thời), tiếp tục cập nhật lại tổng dự toán. Tiếp đến xem xét cơ chế hợp đồng EPC, cụ thể đâu là phần trọn gói, đâu là phần điều chỉnh. Xem xét cơ chế cho phần điều chỉnh, so với biểu giá nếu thấp hơn, chủ động thực hiện. Nếu vượt thì phải giải trình. Phải xem xét để giải trình các Bộ, ngành. Làm rõ phần QA&QC (đánh giá chất lượng) để đưa dự án vào hoạt động trên cơ sở hỗ trợ Tổng thầu EPC, tiếp tục rà soát để tháo gỡ nhanh chóng cho từng nhà thầu phụ".
Về phía Tổng thầu PVC, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chỉ đạo PVC xem xét lại mô hình, đã giao trách nhiệm, phải giao kinh phí cho Ban Điều hành dự án. Việc tổ chức quản lý các nhà thầu phụ, các hợp đồng cần phải xử lý nhanh chóng. Đặc biệt là phải đảm bảo hồ sơ pháp lý đúng với quy định của Pháp luật. Tổ chức đồng bộ các phòng ban thực hiện đúng hồ sơ thanh quyết toán khối lượng công trình. "Chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về an toàn, kỹ thuật, chuyên gia... phải kiểm soát tới mốc cuối cùng là hoàn thành, bàn giao dự án chứ không phải chỉ đặt ra và hài lòng với các mốc trung gian", đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.