Tổng Bí thư: 'Không lo không có cán bộ làm việc'
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải thống nhất từ Trung ương xuống cấp tỉnh, bảo đảm 'đúng vai, thuộc bài' trong phòng, chống tham nhũng.
Kiến nghị sớm ổn định giá xăng dầu
Sáng nay (23/6), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu ý kiến, kiến nghị trực tiếp với các đại biểu Quốc hội về các vấn đề nâng cao chất lượng lập pháp; tăng cường hơn nữa chất lượng công tác giám sát của Quốc hội; vấn đề bộ sách giáo khoa đạt chuẩn và được sử dụng ổn định, lâu dài...
Trước tình hình giá cả tăng cao, một số cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp quyết liệt trong điều hành nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, trước mắt sớm bình ổn giá xăng dầu, giúp ổn định cuộc sống nhân dân và giảm chi phí "đầu vào" cho doanh nghiệp.
Hoan nghênh việc Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cử tri kiến nghị cần thống nhất kế hoạch thu hồi đất theo quy định, có chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư phù hợp, thỏa đáng bảo đảm cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng của dự án; Tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, uy tín, có cam kết rõ ràng để bảo đảm dự án được thực hiện đúng tiến độ.
Chống tham nhũng, tiêu cực: Bảo đảm ở đâu cũng "đúng vai, thuộc bài"
Sau khi Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn trao đổi, giải đáp một số ý kiến, kiến nghị cử tri nêu, thay mặt tổ đại biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, trao đổi với cử tri.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri 3 quận nắm rất rõ tình hình Thủ đô, đất nước, phát biểu ý kiến ngắn gọn, nhưng đề cập trúng các vấn đề, đóng góp rất có trách nhiệm. Tổ đại biểu sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.
Đề cập nội dung, kết quả kỳ họp thứ ba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không khí làm việc Quốc hội ngày càng đổi mới, sôi nổi, thực chất hơn.
Dù chỉ làm việc trong ít ngày, nhưng kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp để lại dư âm, dư luận rất tốt; Quốc hội đã cho thấy vai trò thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
"Tôi đề nghị HĐND các cấp cũng phải phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội, làm đúng vai là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương; đề ra được các chính sách phù hợp với lòng dân, để huy động sức mạnh nhân dân phục vụ xây dựng đất nước", Tổng Bí thư nói.
Trao đổi về một số nội dung cụ thể cử tri nêu, trước hết là vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật. Nhờ cách làm này mà ngay cả người vi phạm cũng nhận ra sai phạm, hứa sẽ khắc phục khuyết điểm.
Tổng Bí thư cho biết, cuối tháng này, Trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị.
Hội nghị sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới, làm cơ sở để tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống cấp tỉnh, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài”, hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khi cán bộ “không thể tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.
Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là nhằm làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm; đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, "cắt một vài cành sâu để cứu cả cây".
Về ý kiến cho rằng "kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý; quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.
Tổng Bí thư mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đoàn kết, phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long hứa sẽ sửa chữa
Tổng Bí thư cho biết, vừa qua đã tiến hành bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long và xử lý ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trước đây là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, do liên quan đến Công ty Việt Á.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh đều từng là Ủy viên Trung ương Đảng. Trong đó, ông Chu Ngọc Anh còn là Ủy viên Trung ương 3 khóa. Cả hai cựu Bộ trưởng này đã bị xử lý, khai trừ ra khỏi Đảng, bãi nhiệm, cách tất cả các chức vụ.
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện rất kiên trì, bài bản, nghiêm túc, thuyết phục và nhân đạo, nhân văn.
Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành xem xét, dự kiến đề nghị thi hành kỷ luật Đảng. Sau khi có kết luận và đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị đã họp xem xét và thảo luận rất kỹ, trong đó, 100% số phiếu biểu quyết yêu cầu kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.
Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã triệu tập cuộc họp bất thường. Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu và gần như tuyệt đối đồng ý là phải khai trừ ra khỏi đảng đối với ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa qua, các cơ quan đã đưa ra đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thanh Long. Đồng thời, Chính phủ đề nghị Quốc hội cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Long. Dù tình hình chống dịch đang ở giai đoạn phức tạp nhưng chúng ta vẫn kiên quyết xử lý.
"Cả 2 anh lúc đầu chưa nhận thức hết đâu nhưng cuối cùng đều nhận thức, hứa hẹn sẽ sửa chữa", Tổng Bí thư nói.
Sau khi ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khai trừ Đảng, cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bãi nhiệm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hai ông này để tiếp tục điều tra. Việc kết luận, xử lý hình sự đối với hai cựu Bộ trưởng như thế nào sẽ do tòa quyết định.