Tôn trọng bản sắc ngôn ngữ riêng
Trong bối cảnh các ngôn ngữ lai ghép phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới như một phần của quá trình hội nhập văn hóa, Hội đồng châu Âu vừa khởi động một số sáng kiến nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ.
Đầu tiên là sáng kiến Ngôn ngữ vì Hòa bình. Theo đó, người tham gia gửi áp phích dự thi với chủ đề sự thống nhất và hiểu biết giữa các ngôn ngữ khác nhau. Sáng kiến thứ hai là lời kêu gọi mọi người gửi những chữ cái/ từ/ cụm từ khó phát âm nhất trong ngôn ngữ châu Âu.
Một số ví dụ mà ban tổ chức đưa ra thực sự là những từ/ câu khó phát âm. “Cabeleireiro” trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “nhà tạo mẫu tóc” được cho là một từ khó phát âm vì “lei” và “rei” có âm tương tự nằm cạnh nhau. “Następstw” (hậu quả) trong tiếng Ba Lan cũng khó phát âm với 4 phụ âm cuối.
Ngay cả với người bản ngữ nói tiếng Pháp đôi khi cũng vấp phải lỗi phát âm “serrurerie” (thợ khóa), trong khi con số đơn giản 555 cũng gây khó khăn khi phát âm lớn thành “Fünfhundertfünfundfünfzig” bằng tiếng Đức…
Phần lớn các ngôn ngữ châu Âu bắt nguồn từ ngôn ngữ tổ tiên hệ Ấn - Âu có khả năng đã tồn tại xung quanh khu vực biển Caspi khoảng 5.000 năm trước. Tiếng Basque (hay tiếng Euskara) được cho là ngôn ngữ bản địa lâu đời nhất của châu Âu. Sử dụng ở vùng Pyrenees của Pháp và Tây Ban Nha, tiếng Basque là ngôn ngữ biệt lập.
Người ta cho rằng, đây là ngôn ngữ tiền Ấn - Âu cuối cùng còn sót lại ở Tây Âu, có nguồn gốc từ Aquitanian và có trước khi tiếng Latin lan rộng khắp khu vực. Sau tiếng Basque, ngôn ngữ Ấn - Âu lâu đời nhất là tiếng Litva, có nhiều điểm tương đồng với tiếng Phạn cổ, ngôn ngữ thiêng liêng của Ấn Độ giáo. Do gần với Trung Đông, tiếng Malta là ngôn ngữ châu Âu duy nhất trong ngữ hệ Phi - Á, bao gồm tiếng Arab và tiếng Hebrew.
Trên khắp châu Âu, có hơn 225 ngôn ngữ bản địa, bên cạnh số lượng lớn các ngôn ngữ du nhập vào lục địa này thông qua quá trình di cư. Có thể bắt gặp không ít người nói Spanglish - văn nói kết hợp tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh; hay Frenglish, là sự kết hợp giữa tiếng Pháp và tiếng Anh.
Mặc dù Viện Hàn lâm Pháp đã nỗ lực kiểm soát tiếng Pháp, nhưng người bình thường vẫn tiếp thu nhiều cách nói tiếng Anh vào giao tiếp hàng ngày. Hay như Denglisch - sự kết hợp tiếng Đức (Deutsch) với tiếng Anh (Englisch). Denglisch đã bị nền văn hóa Đức chỉ trích rất nhiều vì làm loãng đi tiếng Đức vĩ đại, thậm chí một số người gọi nó là McDeutsch hoặc Dummdeutsch (tiếng Đức ngốc nghếch).
Công nghệ mới cũng góp phần không nhỏ trong việc mang ảnh hưởng của tiếng Anh đến phần còn lại của thế giới. Chẳng hạn, từ “email” mà Viện Hàn lâm Pháp muốn người Pháp gọi là “courriel”. Tuy nhiên, sự phổ biến của thuật ngữ công nghệ ban đầu thường chiếm ưu thế trong các cuộc trò chuyện hàng ngày.
Hiện hơn một nửa châu Âu sử dụng song ngữ, trong đó người dân ở các nước Bắc Âu giỏi nhất trong việc nói nhiều ngôn ngữ hơn tiếng mẹ đẻ của họ. Vương quốc Anh đứng khá thấp trong danh sách này.
Thực tế, một phần tạo nên sự phong phú của nền văn hóa châu Âu là sự đa dạng về ngôn ngữ. Những sáng kiến trên nhằm thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi ngôn ngữ khắp lục địa già và sử dụng chúng để kết nối các nền văn hóa.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Litva Gitanas Nausėda: “Sự tôn trọng đối với mọi ngôn ngữ, ngay cả những ngôn ngữ nhỏ nhất, đảm bảo sự hiệp thông của châu Âu và duy trì dự án thống nhất châu Âu”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ton-trong-ban-sac-ngon-ngu-rieng-post761237.html