Tôi đã gắn bó với tòa soạn từ những điều như thế

Tôi không dám chắc mình sẽ công tác tại Đời sống & Pháp luật mãi mãi, nhưng tôi dám chắc chắn, đây sẽ là một trong những nơi đẹp đẽ nhất mà tôi đã từng gắn bó.

“Sơn à, công việc dạo này thế nào, vẫn ổn chứ?”!

Đó là một câu hỏi của Phó Tổng biên tập Vương Tiến Thành nói với tôi, một phóng viên công tác tại chuyên trang Diễn đàn pháp luật của Tạp chí Đời sống & Pháp luật sau khi kết thúc buổi họp giao ban cơ quan hàng tuần và tôi đang loay hoay đi tìm chỗ hút thuốc, một tật xấu mà tôi chưa thể bỏ được.

Đó là một câu hỏi? Không, đó không phải là câu hỏi mà là lời hỏi thăm của lãnh đạo đối với một phóng viên như tôi. Bởi vì là lãnh đạo, ông nắm quá rõ tình hình công việc của tôi cũng như của chuyên trang và vì chúng tôi luôn phải báo cáo tình hình hàng tuần trong các buổi họp giao ban. Một hành động đối với ông có thể là bình thường nhưng đối với tôi nó là lời động viên, khích lệ vô cùng to lớn.

Vì đặc thù của tòa soạn nên một số chuyên trang trực thuộc không nằm tại trụ sở chính của Tạp chí mà nằm rải rác một số nơi. Chúng tôi chỉ được gặp mặt đông đủ mọi người của các bộ phận khác khi lên cơ quan họp giao ban vào mỗi đầu tuần.

Là một phóng viên, tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc nhất

Còn nhớ khi mới về chuyên trang Diễn đàn Pháp luật thuộc Tạp chí công tác, khi đó Tạp chí vẫn còn là Báo Đời sống & Pháp luật, chỉ mang tên Tạp chí từ 1/4/2020 khi thực hiện công tác Quy hoạch báo chí, mọi thứ đều bỡ ngỡ, mới mẻ đối với tôi. Nhưng nhờ được sự giúp đỡ của anh em phóng viên trong cơ quan cùng sự sát sao của lãnh đạo nên công việc cũng dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Trước khi về làm việc tại chuyên trang Diễn đàn Pháp luật, tôi đã từng công tác tại một số cơ quan báo chí khác nhau, nhưng chỉ khi về đây, tôi mới thấy được cái cảm giác mọi người trong tòa soạn giống như một gia đình (cho dù gia đình khá đông con). Cảm nhận này càng rõ ràng hơn khi nhận thấy sự bao dung của Ban lãnh đạo với cán bộ, phóng viên khi họ va vấp trong nghề hoặc sai sót trong lúc tác nghiệp. Hay đơn giản hơn là trong những buổi cả cơ quan đi nghỉ mát, khi đó ranh giới giữa lãnh đạo - nhân viên bị xóa nhòa, Tổng Biên tập ngồi thâu đêm với anh em và say sưa nói về chuyện nghề, chuyện đời....

Bất cứ ai làm trong Đời sống & Pháp luật đều hiểu, trước khi đặt bút viết một bài báo thì đều phải đặt sự thật và thượng tôn pháp luật lên hàng đầu. Nhưng trong từng trường hợp cụ thể, cần phải xác định được chỗ đứng của mình ở đâu để nhìn nhận sự việc cho khách quan. Với chuyên trang Diễn đàn Pháp luật nói chung và đối với tôi nói riêng, tôi luôn chọn chỗ đứng ở vị trí của những người “thấp cổ bé họng” để nhìn nhận sự việc và thật vui mừng vì Ban biên tập cũng ủng hộ quan điểm này.

Chúng tôi chưa bao giờ phải lo lắng khi chọn dấn thân vào các vụ việc “xương xẩu” bởi chúng tôi biết sẽ luôn có Ban biên tập đứng phía sau, cùng “tiếp lửa”, cùng hỗ trợ chúng tôi để tìm ra tận cùng sự thật của vụ việc.

Là một phóng viên, tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc nhất. Một tờ báo với những người lãnh đạo tòa soạn, lãnh đạo phòng ban được phóng viên yêu quý. Có lẽ không cần điều gì quá to tát, chỉ cần khi phóng viên lao lên phía trước, phía sau họ là con mắt dõi theo và sẵn sàng trợ giúp của Ban biên tập như vậy.

Trưởng thành hơn từ những bút phê sửa bài của Tổng biên tập

Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh là người duyệt sau cùng tất cả các bài sản xuất của chuyên trang Diễn đàn Pháp luật. Thông qua việc duyệt bài của Tổng biên tập, chúng tôi học hỏi được nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong nghề báo. Tổng biên tập chỉ rõ ra từng lỗi sai, nên dùng từ này thay cho từ kia, nên viết thế này, thế kia…Từ cách viết, cách nhìn nhận, cách tiếp cận về vấn đề dưới các góc độ khác nhau…Cái cách cầm tay chỉ việc ấy là những điều tôi thích thú nhất mỗi khi nhận được phản hồi của Tổng biên tập về bài viết của chúng tôi.

Ban Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tạp chí điện tử Người Đưa Tin (từ trái qua phải Phó Tổng biên tập Vương Tiến Thành, Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh, Phó Tổng biên tập Phạm Quốc Huy, Phó Tổng biên tập Lê Tuấn Dũng, Phó Tổng biên tập Nguyễn Đức Đông). (Ảnh: Người đưa tin).

Việc duyệt bài của Tổng biên tập cũng nói lên rất nhiều điều về các ứng xử của lãnh đạo đối với những phóng viên. Thông thường, khi đồng ý về bài viết thì lãnh đạo chỉ cần nói “Ok”, hoặc “Được”…nhưng ở đây, suốt bao nhiêu năm qua, cho dù anh ở trong nước hay đi nước ngoài công tác, khi đồng ý một bài đăng thì luôn luôn vẫn là từ “Ok, đăng được”. Những bài viết không đăng được thì đi kèm theo đó là nửa trang cho đến kín một trang màn hình điện thoại về lý do tại sao không đăng được và cách sửa để cho bài viết chính xác hơn và thuyết phục hơn. Điều đó khiến tôi rất thích thú, mong chờ và được trưởng thành hơn rất nhiều trong nghề viết của mình.

Thời gian công tác tại Đời sống & Pháp luật của tôi chưa lâu nhưng tôi cảm nhận được đây là một tờ báo tử tế. Hơn 3 năm, tôi có những sai lầm, có những lúc nông nổi trong việc tác nghiệp nhưng miễn là chịu nhận lỗi thì luôn luôn có được sự bao dung. Được hỏi han và lắng nghe tâm tư, mong muốn và chia sẻ, song hành từng bước trên sự nghiệp của mình, đó là lời động viên, sự giúp đỡ to lớn nhất và là động lực cho tôi được trưởng thành và được cống hiến.

Trong cuộc đời chúng ta, không có gì đẹp đẽ hơn là những năm tháng tuổi thanh xuân sôi nổi, được làm công việc mình yêu thích và cống hiến trọn vẹn trên chặng đường công tác của mình. Có những kỷ niệm chẳng bao giờ mất đi, nó là ký ức đẹp để chúng ta mang đi theo suốt cuộc đời. Đối với tôi, những năm tháng đáng ghi nhớ nhất là quãng thời gian công tác tại đây. Tôi không dám chắc chắn mình sẽ công tác tại Tạp chí Đời sống & Pháp luật mãi mãi, nhưng có một điều tôi dám chắc chắn rằng, đây sẽ là một trong những nơi đẹp đẽ nhất mà tôi đã từng gắn bó.

Vũ Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/toi-da-gan-bo-voi-toa-soan-tu-nhung-dieu-nhu-the-a506120.html