Toan tính trên 'bàn cờ' Idlib

Những diễn biến liên tiếp, dồn dập dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến giữa các bên tại Syria đang hiện hữu. Với những toan tính lợi ích riêng, 'cả hai người chơi chính trên bàn cờ': Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang bị ép đi những nước cuối cùng.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện diện tại Idlib.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện diện tại Idlib.

“Thế cờ tàn” Idlib

Idlib là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy và là khu vực quan trọng để Tổng thống Assad của Syria hoàn thành việc kiểm soát hoàn toàn đất nước. Chiến dịch quân sự lớn ở Idlib được lên kế hoạch cách đây 2 năm đã thực sự bắt đầu.

Trong những ngày qua, lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga tăng cường tiến hành các cuộc tấn công bao gồm cả các chiến dịch không kích được cho là đằng sau có sự hiện diện của không quân Nga tại các căn cứ quân nổi dậy ở Idlib.

Gần đây nhất, ngày 1/3, kênh Clashreport công bố trên mạng xã hội Twitter của mình đoạn video clip cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy tổ hợp tên lửa - cao xạ phòng không Pantshir-S1 do Nga sản xuất ở khu vực Tây Bắc Syria. Điều này cho thấy “thế cờ” đang rất khó đoán.

6 tháng trước, Tổng thống Putin đã trình Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) phê duyệt dự thảo văn kiện thỏa thuận giữa Nga và Syria về việc triển khai vô thời hạn nhóm không quân thuộc lực lượng vũ trang Nga tại căn cứ Hmeymim tại thành phố Latakia- trung tâm của hoạt động quân sự Nga tại Syria. Theo đó, nhóm không quân Nga hiện đang đóng quân tại sân bay Hmeymim theo yêu cầu của phía Syria được sử dụng miễn phí các cơ sở hạ tầng sân bay và những địa bàn cần thiết theo sự thỏa thuận giữa các bên.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó chiến sự diễn ra ở nhiều vùng của Syria do giao tranh giữa quân chính phủ và nhóm phiến quân nổi loạn. “Nếu Nga và các lực lượng quân sự của Nga giúp chính quyền của ông Assad giành được Idlib, thống nhất Syria, các tính toán của ông Erdogan sẽ hoàn toàn phá sản. Idlib đang rơi vào thế cờ tàn”- Mohamet Khatabi, chuyên gia chính trị, quân sự khu vực Trung Đông nhận định.

Đàm hay đánh?

Không chỉ tại Syria, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ luôn rất khó gọi tên khi lúc là đồng minh, lúc là đối thủ, lúc nồng ấm, lúc giá băng. Và gần đây, trên chiến trường Idlib, Syria, hai nước đã có lúc tiến dần đến một cuộc chiến tranh theo lời kêu gọi cứng rắn của những người trong chính quyền ông Erdogan .

Ban đầu, giải quyết những tranh chấp quân sự tại Idlib là cơ hội của Moscow trong chiến lược đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Ván bài này sẽ đưa Moscow và Ankara xích lại gần nhau trong nhiều vấn đề, cả trong hợp tác song phương và công nghệ quân sự.

Trước những cuộc giao tranh ác liệt diễn ra, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thậm chí đã ký kết với nhau thỏa thuận Sochi về Idlib với những cam kết mạnh mẽ từ phía Ankara, nhất là trong vấn đề đối phó với nhóm phiến quân HTS. Nhưng từ đó trở đi, những cam kết này đã không được thực hiện đầy đủ và không như những gì Moscow mong đợi.

Theo bình luận của các hãng tin quốc tế có mặt tại Syria, dẫu rất muốn dùng biện pháp quân sự để đẩy lùi Nga ở vùng Idlib thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dám vì không phải là đối thủ quân sự của Nga. Trong khi đó, sau khi kêu gọi NATO phản đối Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang đề nghị NATO kích hoạt Điều 5 trong Hiệp ước NATO để trợ giúp một nước thành viên bằng các chiến dịch quân sự.

“Điều này không làm NATO khó xử. NATO sẽ không kích hoạt điều cam kết trách nhiệm liên minh nói trên vì Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa hay tấn công quân sự ở đất nước mình. Chưa tính, trong lợi ích chung của khối, Thổ Nhĩ Kỳ luôn không tuân thủ các nguyên tắc chung trong thời gian gần đây”– AFP dẫn một nguồn tin thân cận của NATO cho biết.

Hãng này cũng bình luận: Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ do ông Erdogan đứng đầu rơi vào thế khó. Muốn “đàm” để đạt được một số toan tính lợi ích như gây áp lực với EU thỏa thuận về vấn đề người tỵ nạn và nhập cư không được. Muốn “đánh” để tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông cũng không xong.

Thế giằng co trong chiến sự tại Idlib sẽ nhanh đi đến hồi kết với lợi thế giành cho Nga, nếu không có yếu tố bất ngờ, đột xuất can dự của một bên thứ ba nào khác.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/toan-tinh-tren-ban-co-idlib-tintuc460464