Tòa án: Sở VH-TT Hà Nội không sai trong quy trình cấp phép cho Vietart

Hội đồng xét xử nhận định Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm việc đúng quy định của pháp luật nên đã bác toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart.

Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh. (Ảnh: Vietart)

Chiều 2/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án vụ Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart khởi kiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vì “kéo dài thời gian cấp phép, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.”

Kết quả, Hội đồng xét xử bác bỏ toàn bộ yêu cầu của Công ty Vietart bao gồm: Yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bồi thường thiệt hại 672.831.879 đồng chi phí sản xuất chương trình; 1.000 đồng bồi thường danh dự cho Công ty Vietart; đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, Công ty Vietart khởi kiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc chậm trễ giải quyết thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Ngôi sao phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.”

Bà Đoàn Thúy Phương, Giám đốc Công ty Vietart cho biết đơn vị này đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” lần đầu từ ngày 5/8/2022.

Trong hơn một tháng sau đó, sở có 3 văn bản phúc đáp đề nghị Vietart bổ sung hồ sơ liên quan quyền tác giả, tác quyền; thông báo về việc giao Tiểu ban sân khấu, tạp kỹ thẩm định về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật; thông báo tiếp tục thẩm định lần 2 sau khi chỉnh sửa kịch bản. Ngày 3/10/2022, trước lúc biểu diễn 9 ngày làm việc, Công ty Vietart mới nhận được thông báo chấp thuận.

Quang cảnh buổi tuyên án tại tòa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Với thời hạn 9 ngày còn lại, Công ty Vietart cho biết không đủ thời gian để thực hiện các chiến dịch, hoạt động quảng cáo, không kịp gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tới cơ quan có thẩm quyền, vì theo quy định tại Điều 29 Luật Quảng cáo năm 2012, hồ sơ phải được gửi trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.

Cùng với việc cho rằng các quyết định hành chính của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2020, Vietart khẳng định các quyết định này xâm phạm trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của công ty.

Doanh nghiệp dẫn chứng việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu tổng duyệt chương trình cải lương trên sân khấu chương trình nhạc trẻ là không phù hợp. Ngoài ra, theo Công ty Vietart, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thay đổi thời gian tổ chức duyệt chương trình lên trước 3 ngày, trong khi thông thường việc tổng duyệt được thực hiện cùng ngày hoặc trước 1 ngày so với thời điểm biểu diễn.

“Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu tổng duyệt chương trình trước 3 ngày biểu diễn là không hợp lý bởi làm tăng chi phí ăn ở, vé máy bay. Doanh nghiệp phải bù thêm chi phí này cho các nghệ sỹ, ekip từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Thông thường việc tổng duyệt diễn ra trước một ngày hoặc cùng ngày diễn ra chương trình biểu diễn,” bà Đoàn Thúy Phương cho hay.

Cũng theo đại diện Vietart, đây là chương trình cải lương, khán giả chủ yếu ở lứa tuổi trung niên trở lên nên phải quảng cáo bằng băng rôn, trực tiếp chứ khó dùng nền tảng Internet. Thời gian chuẩn bị chỉ có ít ngày như vậy nên càng khó bán vé.

“Hai đêm biểu diễn chúng tôi xuất 1.100 vé với giá trung bình một triệu đồng/vé, nhưng chỉ bán được 200 vé, thu về 200 triệu đồng. Số vé còn lại, chúng tôi mang hết đi biếu, tặng," đại diện Vietart trình bày trước tòa.

Theo văn bản giải trình của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được chủ tọa công bố, năm 2022 có 355 hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tất cả đều được đơn vị này xử lý theo đúng trình tự, thủ tục.

Ngoài vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh,” năm 2022, Công ty Vietart còn đề nghị tổ chức, biểu diễn 4 chương trình nghệ thuật khác và được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giải quyết không chậm, muộn. Vì thế Công ty Vietart nói sở gây phiền hà, khó khăn là chưa khách quan.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng chương trình vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên mới đề nghị Công ty Vietart bổ sung văn bản chấp thuận.

Mặc dù ngày 3/10/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới có văn bản chấp thuận cho Công ty Vietart tổ chức chương trình nhưng doanh nghiệp này đã quảng cáo, bán vé trên mạng xã hội từ đầu tháng 9/2022.

Từ đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định không gây thiệt hại cho Công ty Vietart.

Hội đồng xét xử nhận định rằng vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là tác phẩm cải lương kinh điển của Việt Nam, được công chiếu lần đầu vào năm 1977 với nội dung nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam, khơi dậy lòng yêu nước.

Vở cải lương không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang tính chính trị sâu sắc. Công ty Vietart tổ chức vở cải lương tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sỹ hải ngoại, tự do dàn dựng, biểu diễn. Do đó, việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu thẩm định chất lượng vở cải lương là phù hợp quy định của pháp luật.

Hội đồng xét xử quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Vietart. Ngoài ra, nguyên đơn phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm và gần 40 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Đoàn Thúy Phương bày tỏ sự thất vọng với kết quả tuyên án hôm nay và sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm trong vòng 15 ngày tới.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội không dự buổi tuyên án và cũng vắng mặt trong phiên xét xử ngày 1/8./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/toa-an-so-vhtt-ha-noi-khong-sai-trong-quy-trinh-cap-phep-cho-vietart/886855.vnp