Tổ truyền thông cộng đồng: Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn

Đến năm 2025, thành lập và duy trì hoạt động 9.000 tổ truyền thông cộng đồng. Đây là một chỉ tiêu quan trọng của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao trong Chương trình, Hội LHPN Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (gọi tắt là Dự án 8).

Một trong những chỉ tiêu chính của Dự án 8 cần đạt được đến năm 2025 là 9.000 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động. Tổ truyền thông được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ, trẻ em.

Năm 2022, Trung ương Hội đã ban hành hướng dẫn thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng. Theo đó, tổ truyền thông được thành lập ở thôn/bản/buôn/ấp (chung là thôn) do UBND xã ra quyết định thành lập trên cơ sở tham mưu của Hội LHPN xã.

Số lượng, thành phần tổ truyền thông cộng đồng

Mỗi tổ truyền thông cộng đồng có từ 07 - 10 thành viên. Thành phần tham gia gồm:

+ Bí thư chi bộ thôn/trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận/các đoàn thể ở địa phương.

+ Trưởng các Tổ/nhóm/CLB hiện có trên địa bàn của thôn như: Tổ vay vốn, Tổ tín dụng tiết kiệm, CLB gia đình hạnh phúc, Tổ công nghệ số cộng đồng...

Trường hợp các Tổ/nhóm/CLB hoạt động ở phạm vi nhiều thôn thì ưu tiên mời trưởng các Tổ/nhóm/CLB tham gia Tổ truyền thông ở thôn nơi mình sinh sống.

+ Người có uy tín trong cộng đồng, hội viên nòng cốt, người có khả năng tuyên truyền, vận động trên địa bàn như giáo viên, cán bộ y tế, bộ đội biên phòng…

Tiêu chí thành viên tổ truyền thông cộng đồng

+ Là người sinh sống tại thôn, tự nguyện tham gia Tổ. Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bản thân và gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

+ Trách nhiệm, nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ người dân trong cộng đồng.

+ Có uy tín, có khả năng vận động quần chúng.

+ Có tinh thần đổi mới, tiên phong, đi đầu trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

* Tổ truyền thông cộng đồng có ban điều hành với số lượng tối đa là 3 người gồm tổ trưởng, tổ phó và thành viên do Hội LHPN xã đề xuất. Thành viên ban điều hành trong số các thành viên của tổ truyền thông cộng đồng, trong đó đảm bảo có đại diện: Cấp ủy hoặc chính quyền, Ban Công tác Mặt trận; Chi hội phụ nữ; Người có năng lực truyền thông hoặc có uy tín trong cộng đồng.

Ngoài đảm bảo các tiêu chí của thành viên tổ truyền thông cộng đồng, thành viên ban điều hành phải là người có sức khỏe và có điều kiện tham gia công tác xã hội; am hiểu phong tục tập quán, văn hóa của địa phương; biết tiếng phổ thông và tiếng dân tộc phổ biến trên địa bàn; có kỹ năng truyền thông và tư vấn.

Đối với tổ trưởng, ngoài các tiêu chí như thành viên ban điều hành, cần thêm các tiêu chí: Có khả năng đoàn kết, quy tụ, phân công các thành viên trong tổ, thiết lập các mối quan hệ và tìm kiếm sự hỗ trợ của các đối tác.

Hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Những kết quả bước đầu

Theo báo cáo của Ban Điều hành Dự án 8, đến hết 2023, trên cả nước, các cấp Hội đã thành lập, duy trì được 7.623 tổ truyền thông cộng đồng (đạt 84,7% chỉ tiêu giai đoạn I).

Kết quả khảo sát thực địa được thực hiện tại 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Phước và Sóc Trăng do Học viện Phụ nữ việt Nam thực hiện năm 2023 cho thấy: Các cấp Hội đã phát huy tốt vai trò chủ trì, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, duy trì hoạt động tổ truyền thông cộng đồng. Số lượng thành viên tổ truyền thông cộng đồng đều đảm bảo theo quy định, giao động từ 7-10 thành viên gồm: Bí thư Chi bộ thôn/trưởng thôn, Chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận/các đoàn thể ở địa phương, Trưởng các tổ/nhóm/CLB hiện có trên địa bàn của thôn, Người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tuyên truyền, vận động (giáo viên, cán bộ y tế, bộ đội biên phòng...), hội viên nòng cốt.

Hoàng Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/to-truyen-thong-cong-dong-so-luong-thanh-phan-tieu-chuan-20240525173828506.htm