Tình yêu, tranh đấu trong kịch cảm tác 'Nỗi buồn chiến tranh'

Đạo diễn Phùng Tiến Minh cho biết kịch 'Trái tim người Hà Nội' không dừng lại ở việc lên án chiến tranh và mong muốn hòa bình mà nó còn đặt ra câu hỏi về sự đấu tranh.

Một phân cảnh Phương (nữ chính) đang tỏ tình với Kiên (nam chính). Ảnh: Đạo diễn Phùng Tiến Minh.

Tác phẩm Trái tim người Hà Nội là vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội được cảm tác từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Vở diễn do NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc nhà hát, chỉ đạo nghệ thuật. Tác phẩm còn có sự góp sức của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, NSƯT Tiến Minh cùng các nghệ sĩ: Tiến Lộc, Thùy Dương, Chí Nhân, Thùy Dương, Mạnh Hưng, Hồng Liên, Trần Thanh, Đặng Tùng, Tiến Huy, Hoàng Dương, Công Đại…

Trong quá trình dàn dựng vở kịch, ekip đã gặp phải không ít khó khăn trong việc xây dựng nội dung bởi cuốn tiểu thuyết có nhiều phân cảnh ấn tượng và được viết theo mạch hồi tưởng của nhân vật.

Trong buổi trao đổi với Zingnews, đạo diễn Phùng Tiến Minh đã tiết lộ thêm về quá trình dàn dựng vở kịch Trái tim người Hà Nội.

Vở diễn là cảm tác, không phải chuyển thể "Nỗi buồn chiến tranh"

- Hiện nay trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam có rất nhiều tác phẩm viết về chủ đề con người và cuộc sống bước ra từ chiến tranh, vậy tại sao Nhà hát kịch Hà Nội lại chọn cảm tác từ tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh?

- Nhà hát kịch Hà Nội là một nhà hát của thành phố vì vậy chúng tôi luôn hướng đến các tác phẩm viết về vẻ đẹp của con người, tâm hồn và cuộc sống Thủ đô. Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm rất gần về chủ đề này bởi hầu hết vai trong truyện đều có xuất thân từ Hà nội. Vì vậy, nhà hát đã quyết định chuyển thể tiểu thuyết này trở thành một kịch bản sân khấu.

Cùng đó, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm giá trị hàm chứa luồng cảm xúc đan xen phức tạp giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, cái ngoại vi và cảm xúc nội tâm.

Khi dựng lên sân khấu kịch nói, các tuyến nhân vật, xuất phát điểm vẫn được giữ nguyên. Nhưng cách diễn giải câu chuyện và kết thúc lại khác đi. Vì vậy, nhà văn Bảo Ninh đã đồng ý sử dụng từ cảm tác chứ không phải chuyển thể bởi vở diễn có tuyến hành động đã khác hẳn những gì ông viết theo một cách đẹp hơn, vui hơn nhưng vẫn giữ được phần cốt lõi đó là sự bi tráng.

- "Nỗi buồn chiến tranh" là một cuốn tiểu thuyết được viết theo mạch hồi tưởng của nhân vật, vậy thời gian và không gian trong vở kịch đã được sắp xếp lại như thế nào?

- Chủ đề chiến tranh có thể được truyền tải thông qua điện ảnh khá dễ dàng bởi các kỹ thuật quay dựng. Còn với các loại hình sân khấu, bài toán cho người sáng tạo là làm thế nào để đưa ra được một hình ảnh chân thực nhất để người xem có thể tưởng tượng được. Nhà sản xuất, đạo diễn khi chuyển thể phải cân nhắc kỹ lưỡng để tác phẩm lên sân khấu vẫn mang hình ảnh và màu sắc tượng trưng của nguyên tác.

Vì vậy việc sắp xếp lại không gian-thời gian từ nguyên tác là một thách thức dành cho ekip sáng tạo. Trong tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh, các sự việc đan lấy nhau và được liên kết thông qua một thủ pháp chuyển riêng. Chuyển không gian tại sân khấu lại rất khó tận dụng được thế mạnh đó bởi nó còn liên quan đến việc dàn dựng trang trí sân khấu.

Do đó, chúng tôi phải tìm cái bối cảnh cụ thể cho phép đưa ra một hình tượng và nhờ đó khán giả có thể chấp nhận và hình dung được. Sau một hồi nghiên cứu, NSƯT Doãn Bằng, người thiết kế sân khấu đã đưa ra hình tượng một hố bom. Tại nơi đây, mọi người đều sống dưới một mối nguy hiểm tiềm tàng của việc quả bom ấy nó phát nổ bất cứ lúc nào.

Đạo diễn, NSUT Phùng Tiến Minh. Ảnh: NVCC.

Khắc họa cuộc mưu cầu hạnh phúc của lớp trẻ một thời

- Trong cuốn tiểu thuyết có khá nhiều đoạn ấn tượng, vậy ekip đã đưa ra sự lựa chọn như thế nào để dàn dựng thành kịch bản sân khấu?

- Đối với tôi, ấn tượng từ nguyên tác đến khá nhiều từ xuất phát điểm của hai nhân vật. Những cô bé, cậu bé 12, 13 tuổi hồn nhiên, trong sáng nhảy tàu điện đi học. Những nhà ga, bến đỗ đậm chất Hà Nội xưa. Nhưng bởi hạn chế sân khấu, đặc biệt là cảm giác chân thực về độ tuổi, chúng tôi không thể đưa phân cảnh này vào được.

Hay đoạn Phương biến thành một người đàn bà bất cần như trong tiểu thuyết. Cô buông hoàn toàn cuộc sống của mình và thả trôi theo sự đẩy đưa của dòng đời. Cô khao khát được ở bên Kiên thì lại bị tước đoạt đi bởi người đàn ông khác.

Trong tác phẩm, hình tượng đó được viết rất hay nhưng bởi việc thực hiện chuyển không gian rất khó và mong muốn của chúng tôi muốn hướng nhân vật chuyển hóa theo một hướng khác. Vì vậy kịch bản sân khấu đã chọn lọc và sử dụng đoạn khác thay thế.

Chẳng hạn thay cho hình ảnh tại xe tàu điện, chúng tôi lại chọn bối cảnh buổi cắm trại khi Kiên và Phương bơi quanh hồ. Thông qua cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, lý tưởng của lớp trẻ bấy giờ được bộc lộ. Nhà văn không hề rao giảng mà chỉ thể hiện thuần khiết qua các lời thoại của nhân vật thời điểm đó.

Các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết vẫn được giữ nguyên xuất phát điểm khi lên sân khấu kịch. Ảnh: NVCC.

- Những người phụ nữ trong trang văn của Bảo Ninh luôn đặc biệt. Ông nghĩ gì về hình tượng này?

- Thân phận người phụ nữ trong tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh vừa đẹp vừa chua chát đến mức người xem phải bất ngờ: “Nó phải như thế à?”. Dù trải qua bao khó khăn, những nhân vật nữ vẫn giữ trọn những vẻ đẹp của hình mẫu Á Đông.

Về Phương, nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh đã đưa ra một mệnh đề khiến người ta phải tò mò rằng: “Em là người con gái lạc thời và lạc loài”.

Người đọc sẽ phải đau đáu tại sao một người con gái ở độ tuổi 17, xuân thì xuân sắc lại trở nên lạc lõng. Đó là bởi tư duy con người thời điểm ấy vẫn còn đặt nặng các định kiến xã hội, tàn dư phong kiến vẫn còn tồn tại ở văn hóa và nếp sống. Vậy trong bối cảnh đó con người cần có những điều kiện cần và đủ như thế nào để tồn tại.

Phương không đi theo các giá trị cốt lõi của xã hội còn nặng nề phong kiến lúc bấy giờ. Cô chỉ có một lý tưởng duy nhất là khao khát tìm kiếm tự do và hạnh phúc. Đây là một hình tượng vượt thời đại, vượt qua mọi thứ. Cách suy nghĩ, và hành động của nhân vật Phương rất mới lạ.

- Từ việc cảm tác với câu chuyện "Nỗi buồn chiến tranh", qua màn trình diễn, mọi người muốn gửi đi thông điệp gì đến với người xem và đặc biệt là giới trẻ?

- Vở kịch không chỉ dừng lại ở việc lên án chiến tranh và mong muốn hòa bình mà nó còn đặt ra câu hỏi về sự đấu tranh. Chiến tranh không phải chỉ hỗn loạn, đâm chém, giết chóc mà nó còn những vấn đề con người đang phải đối mặt ngay trong cuộc sống đời thường. Khi ấy, khát vọng vươn lên sẽ là kim chỉ nam cho mỗi người tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-truong-tac-pham-trai-tim-nguoi-ha-noi-post1380608.html