Tình nghĩa người Việt ở 'tâm dịch' Phnôm Pênh
Từ Phnôm Pênh, TS BS Tôn Thanh Trà nói về tình hình dịch COVID-19 và những tấm lòng sẻ chia của người Việt với nhau.
“Đến hôm nay thì tình hình phong tỏa ở Thủ đô Phnôm Pênh và các thành phố khác đã trở nên “dễ thở” hơn. Chính quyền Campuchia đã cho phép người dân có thể di chuyển giữa các tỉnh thành", BS Tôn Thanh Trà, Tổng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh nói qua điện thoại về Việt Nam.
Ông cho hay, đây là tín hiệu khá tốt, nhưng với riêng việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh vẫn còn gian nan, vất vả.
Huy động tối đa nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19
Với giọng âu lo, BS Trà cho biết, trước đó có một bệnh nhân mắc COVID-19 vào bệnh viện khám khiến cho 24 nhân viên y tế bị cách ly. Mới đây, Khoa Nội tổng quát của Bệnh viện lại có một thân nhân mắc COVID-19 đến thăm nuôi bệnh buộc khoa phải phong tỏa và cách ly thêm 16 nhân viên y tế cùng 4 bệnh nhân.
Nhân viên bị cách ly, điều kiện đi lại và sinh hoạt khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng Bệnh viện vẫn làm việc hết 100% công suất.
“Với tình hình hiện nay, ngoài 30 phòng, Bệnh viện dự kiến lấy khoa Sản và khoa Tai mũi họng (khoảng 20 phòng). Nếu bệnh nhân COVID-19 nhiều nữa thì lấy khoa Nội tổng quát để tiếp nhận. Như vậy tổng lượng giường tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 lên tới 100. Nơi khác không tiếp nhận thì mình phải tiếp nhận bệnh nhân, đó là cái tình”, BS Trà cho hay.
Vị BS kể tiếp, Bệnh viện vẫn làm việc hết công suất đón bệnh nhân ngoại trú với mỗi ngày 100-120 người, lượng bệnh nhân nội trú từ 80-90 bệnh nhân nặng. Cùng với đó, còn kết hợp với chính quyền địa phương và quân đội để tiêm phòng vaccine COVID-19 cho bà con tại Phnôm Pênh.
"Lúc đầu dự kiến tiêm từ 300-400 người nhưng sau này con số đã lên gần 2.000. Phải cố gắng để bà con yên tâm trước đại dịch", BS Trà nói.
Cái tình giữa “tâm dịch”
Giữa “tâm dịch”, những bộn bề, khó khăn trong điều trị bệnh do nhiều nơi ở nước bạn bị phong tỏa nhiều ngày khiến đội ngũ nhân viên y tế gần như kiệt sức. Tuy nhiên, y đức, trách nhiệm cộng đồng cùng tình đồng bào là những động lực lớn giúp họ trở nên vững vàng.
Những người Việt xa xứ đến Phnôm Pênh hay các tỉnh lân cận làm ăn vẫn còn nhiều gia đình nghèo. Vì thế, trong lúc dịch bệnh bùng phát, sự chia sẻ, hỗ trợ nhau là điều mà các nhân viên y tế muốn thực hiện để cùng đồng bào vượt qua khó khăn.
“Bệnh viện có kết hợp với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia đi thăm và phát quà cho 350 gia đình Việt Nam hoàn cảnh khó khăn đang nằm trong sự phong tỏa tại quận ngoại ô Thủ đô Phnôm Pênh. Không chỉ người Việt đâu, chúng tôi cũng phát 150 phần quà, mỗi phần quà gồm 20kg gạo, nước rửa tay, khẩu trang cho bà con Khmer ”, BS Trà chia sẻ qua điện thoại.
Cũng theo BS Trà, mặc dù trải qua tình hình khó khăn song nhân viên Bệnh viện rất ấm lòng khi nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của người Việt tại Phnôm Pênh. Đó là sự quan tâm qua lại lẫn nhau, cùng nhau vượt qua đại dịch.
“Trong khó khăn, Bệnh viện nhận được sự động viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia. Họ tặng quà, vitamin C, tặng trái cây, khẩu trang y tế, nước rửa tay cho Bệnh viện. Hội người Việt Nam tại Campuchia cũng đến thăm, tặng dụng cụ, vật tư y tế, nước rửa tay, khẩu trang, ngân hàng cũng hỗ trợ anh em trong tình trạng khó khăn.
Chúng tôi dùng tất cả những thứ đó phân phát cho anh em để cho công tác phòng chống dịch. Trong bối cảnh khó khăn, bệnh viện cùng với chính quyền địa phương, nhân dân cùng nhau vượt qua đại dịch này. Hi vọng mọi người sẽ trở lại cuộc sống bình thường càng nhanh càng tốt”, BS Trà nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tinh-nghia-nguoi-viet-o-tam-dich-phnom-penh-ar609379.html