Tỉnh nào nước ta có tên gọi mang nghĩa 'thái bình rộng lớn'?
Tên gọi của tỉnh này mang nghĩa 'thái bình rộng lớn', xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1604.
1. Tỉnh nào nước ta có tên gọi mang nghĩa ‘thái bình rộng lớn’?
Thái Bình
Hưng Yên
Quảng Bình
Thái Nguyên
Chính xác
Năm 1604, tên gọi “Quảng Bình” lần đầu tiên xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, từ đó danh xưng Quảng Bình chính thức đi vào lịch sử. Tên này mang ý nghĩa “Thái bình rộng lớn”, như lời khẳng định và cụ thể hóa Sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi mô tả về mảnh đất này.
2. Dãy núi nổi tiếng nào ở tỉnh này xuất hiện trong lời sấm Trạng Trình, khởi đầu cho cơ nghiệp của chúa Nguyễn?
Hoàng Liên Sơn
Ba Vì
Bạch Mã
Hoành Sơn
Chính xác
Dãy Hoành Sơn cùng Đèo Ngang và sông Gianh là những địa danh biểu trưng cho lịch sử, văn hóa của tỉnh Quảng Bình. Dãy núi này dài khoảng 50km, chạy từ dãy Trường Sơn ra biển Đông. Xưa kia, người Việt vượt Hoành Sơn phải đi qua Đèo Ngang hiểm trở với độ cao 256m. Đến tháng 8/2004, hầm đường bộ Đèo Ngang khánh thành giúp hành trình này trở nên an toàn và tiết kiệm thời gian nhiều lần.
Dãy Hoành Sơn từng xuất hiện trong lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm, gián tiếp tạo ra thế cục Đàng Trong – Đàng Ngoài trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Cụ thể, năm 1558, Nguyễn Hoàng lo sợ dã tâm của chúa Trịnh, đành cầu cứu Trạng Trình và nhận được câu nói ẩn ý: “Hoành Sơn nhất dải/Vạn đại dung thân” hay “Một dải Hoành Sơn là đủ để dung thân muôn đời”. Ngay sau đó, Nguyễn Hoàng yêu cầu được vào Nam khai hoang mở đất, khởi đầu cho cơ nghiệp nhà chúa kéo dài nhiều thế kỷ.
3. Con sông nào tại tỉnh này là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, chia cắt đất nước trong hơn 150 năm?
Sông Nhật Lệ
Sông Thạch Hãn
Sông Gianh
Sông Lam
Chính xác
Sông Gianh là con sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ vùng núi thuộc dãy Trường Sơn, sau đó đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
Sông Gianh trước kia là biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tuy nhiên, tới giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, con sông trở thành chướng ngại vật tự nhiên ngăn cách Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Trong hơn 150 năm, sông Gianh và Quảng Bình là nơi xảy ra nhiều trận chiến khốc liệt giữa hai tập đoàn phong kiến, khiến hàng vạn nhân dân và binh lính rơi vào cảnh lầm than. Phải đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1789), ba anh em Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân thành công tiêu diệt các thế lực quân sự từ Nam ra Bắc, thống nhất giang sơn, chấm dứt giai đoạn Đàng Trong – Đàng Ngoài.
4. Lũy Thầy ở Quảng Bình còn có tên gọi khác là gì?
Lũy Kiến Giang
Lũy Đào Duy Từ
Lũy Đỗ Thành Nhơn
Lũy Châu Văn Tiếp
Chính xác
Lũy Thầy hay còn được gọi là lũy Đào Duy Từ, đặt theo tên của vị danh thần Đàng Trong, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tôn là thầy để tỏ lòng kính trọng.
Hệ thống Lũy Thầy được Đào Duy Từ chỉ đạo xây đắp trong hơn ba năm, gồm ba chiến lũy chính là lũy Trường Dực, lũy Trấn Ninh và lũy Trường Sa, mục đích nhằm ngăn bước tiến của quân Trịnh vào Nam. Lũy Thầy kiên cố đến mức người dân trong vùng lưu truyền câu thơ: “Khôn ngoan vượt được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.
Cùng với sông Nhật Lệ, Lũy Thầy trở thành chướng ngại vật không thể công phá trong hơn một thế kỷ. Phải đến năm 1774, chính quyền Đàng Trong suy yếu, chúa Trịnh mới lần đầu công phá được chiến lũy này để bắt quyền thần Trương Phúc Loan. Hơn mười năm sau, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ tiếp tục vượt Lũy Thầy để tiêu diệt nhà chúa, xóa bỏ giới tuyến tại Quảng Bình.
5. Tỉnh này có đặc điểm gì?
Tỉnh ít huyện nhất Việt Nam
Tỉnh duy nhất không có thị xã
Tỉnh dài nhất Việt Nam
Tỉnh hẹp nhất Việt Nam
Chính xác
Quảng Bình thuộc vùng Bắc Trung Bộ, giáp Hà Tĩnh ở phía Bắc, Quảng Trị ở phía Nam, Lào ở phía Tây và biển Đông ở phía Đông. Với bề ngang tính theo chiều Tây - Đông chỉ 40,3km, nơi đây được biết tới là nơi hẹp nhất cả nước.
Địa phương này hiện có thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và 6 huyện, gồm: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa.