Tỉnh lộ 152: Nhiều điểm sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Tỉnh lộ 152 có nhiều đoạn đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuy nhiên hiện nay xuất hiện nhiều điểm sạt lở, xuống cấp. Trong khi đó, một số đoạn chưa triển khai thi công nâng cấp nên tồn tại nhiều 'ổ gà', thậm chí là 'ổ voi', 'ổ trâu'. Điều này gây khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, du khách và phương tiện lưu thông qua đây.

Những ngày qua, người dân nhiều xã, phường phía Nam thị xã Sa Pa không khỏi lo lắng bởi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên Tỉnh lộ 152. Các điểm sạt lở cũ vốn đã khiến việc đi lại của người dân các phường Cầu Mây, Mường Hoa và xã Tả Van, Liên Minh, Bản Hồ… gặp nhiều khó khăn, nay lại xuất hiện thêm điểm sạt lở với khối lượng lớn gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Dù đơn vị được giao nâng cấp, bảo trì đã tổ chức sửa chữa, khắc phục nhưng phần vì mưa lũ diễn biến phức tạp, phần vì chưa có giải pháp xử lý bài bản, triệt để nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn.

Có mặt tại điểm sạt lở Km1+800 đến Km1+950, Tỉnh lộ 152 (hay còn gọi là điểm sạt trượt ở Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây - Sa Pa). Phía taluy dương có hàng nghìn mét khối đất, đá sạt, trượt xuống từ nhiều tháng nay đang được dọn nhưng vẫn tiếp tục tràn xuống lòng đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Điểm sạt lở này xuất hiện từ mùa mưa lũ năm 2019. Đây là đoạn đường mà Ban Quản lý dự án ODA tỉnh - đơn vị chủ đầu tư nâng cấp Tỉnh lộ 152 đã bàn giao cho Công ty Cổ phần Trường Giang - Sa Pa (là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây - Sa Pa) chịu trách nhiệm thi công kè chống sạt lở và hoàn thiện các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay việc thi công khắc phục vẫn dậm chân tại chỗ.

Vượt qua điểm sạt lở tại Km1+800, chúng tôi có mặt tại điểm sạt lở Km8+100, Km17+400 và Km 20+400. Tại các điểm này, tình trạng sạt lở taluy dương khiến hàng trăm mét khối đất, đá vùi lấp lòng đường; nhiều đoạn đường xuống cấp gây khó khăn cho các phương tiện và người dân khi tham gia giao thông.

Ông Sì Văn Cang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van cho biết: Tình trạng sạt lở, xuống cấp của Tỉnh lộ 152 đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên không hiểu vì nguyên nhân gì mà công tác khắc phục, sửa chữa chưa được thực hiện. Nhân dân xã Tả Van và các phường Cầu Mây, xã Liên Minh, Bản Hồ… mong muốn Ban Quản lý dự án ODA (chủ đầu tư dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến Tỉnh lộ 152) và cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương có giải pháp khắc phục để đảm bảo đi lại an toàn cho người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên Tỉnh lộ 152 (đoạn từ trung tâm thị xã đi qua phường Cầu Mây, các xã Tả Van, Liên Minh, Bản Hồ…), ngoài một số điểm xuống cấp và sạt lở thì vừa xuất hiện một cung trượt lớn đẩy nền đường tại Km3+00 dịch chuyển, gây nứt vỡ nền đường rất nguy hiểm. Nếu không có cảnh báo thì nguy cơ đá sạt gây nguy hiểm cho người và phương tiện rất lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng Tỉnh lộ 152 xuống cấp, hư hỏng, lầy lội, ảnh hưởng đến việc đi lại của Nhân dân và du khách. Thị xã Sa Pa đã khảo sát, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để tìm phương án khắc phục. Đối với điểm sạt lở trên Km1+800, Công ty Cổ phần Trường Giang - Sa Pa cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 23/9. Còn tại điểm sạt lở lớn thứ 2 ở địa bàn xã Mường Hoa, do yếu tố địa chất nên tình trạng sạt lở rất khó khắc phục, hiện nay tỉnh có chủ trương xây dựng cầu cạn. Thời gian tới, thị xã sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cầu đúng tiến độ.

Trước tình hình sạt lở và xuống cấp tại nhiều điểm trên Tỉnh lộ 152, trong các ngày 14 và 15/8, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã liên tiếp có 2 văn bản số 2843 và 2889 gửi Ban Quản lý dự án ODA tỉnh (đơn vị hiện đang là chủ đầu tư Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 152, đoạn từ Km0 đến Km21+700) thực hiện xử lý, khắc phục tình trạng trên, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Tại thời điểm phóng viên có mặt trên tuyến Tỉnh lộ 152, các đơn vị đang triển khai đổ đất, đá để san lấp các điểm sụt lún. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi có những điểm cần phải triển khai làm cầu cạn hoặc xây dựng kè chắn đất, đá và làm lại nền đường thì mới có thể đảm bảo an toàn lâu dài.

Theo đại diện của Ban Quản lý dự án ODA tỉnh, hiện nay chủ đầu tư phối hợp đơn vị thi công tiếp tục bố trí máy móc, nhân lực dọn dẹp và xử lý các vị trí đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trên Tỉnh lộ 152. Riêng đoạn Km7+500 đến Km7+800 là cung sạt trượt đã tồn tại nhiều năm, được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư công trình cầu cạn. Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND thị xã Sa Pa giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thi công và công tác tái định cư cho các hộ dân phải di chuyển nhà, dự kiến sẽ thi công cầu trong tháng 9/2023.

Tỉnh lộ 152 là tuyến đường từ trung tâm thị xã Sa Pa đi các điểm du lịch nổi tiếng như Cầu Mây, Bãi đá cổ, thung lũng Mường Hoa và đặc biệt hơn khi đây là tuyến đường độc đạo xuống các xã, phường vùng thấp và đi Quốc lộ 4E. Tình trạng xuống cấp, sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Khu du lịch quốc gia Sa Pa, nhất là khi dịp lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa đang cận kề.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tinh-lo-152-nhieu-diem-sat-lo-tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-giao-thong-post372291.html