Tinh hoa nghề đúc đồng ở Nam Tiến
Sinh ra trong gia đình có 4 đời làm nghề đúc đồng, tuổi thơ của anh Đỗ Văn Viết, thôn Đồng Quỹ gắn liền với những bễ lò rực lửa. Nghề đúc đồng, vì thế “ngấm” vào anh một cách rất tự nhiên. Từ khi còn nhỏ, anh Viết đã theo bố, đội thợ đúc đồng học nghề. Vào tuổi thanh niên, anh còn được cùng bố rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc học hỏi kinh nghiệm của các thợ đúc đồng lão luyện. “Đây chính là quá trình tích lũy hiểu biết, tay nghề đúc đồng của tôi. Càng đi nhiều, càng tìm hiểu sâu tôi càng hiểu hơn về giá trị văn hóa của các hiện vật đồ đồng, nhất là chuông đồng. Vì thế, ngoài các sản phẩm đồ đồng truyền thống hay đúc, những năm gần đây, tôi tập trung vào đúc chuông đồng. Quá trình để đúc một sản phẩm đồ đồng hoàn chỉnh trải qua rất nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng yêu cầu người thợ phải cẩn trọng, có tay nghề cao”, anh Viết chia sẻ.
Để đúc đồng, người thợ Đồng Quỹ trước tiên phải tạo mẫu “cốt” bằng đất sét hoặc gỗ; sau đó chọn đất để làm khuôn. Tuy nhiên, không phải loại đất nào cũng được người dân trong làng lựa chọn để làm khuôn. “Thứ đất dùng để làm khuôn nấu đồng phải là loại đất sét trắng dẻo, mịn, chịu nhiệt tốt”, anh Viết cho biết. Chọn được loại đất sét ưng ý, thợ đúc đồng tiếp tục phơi khô, tán nhỏ, ngâm nước trộn với bột giấy bao xi măng theo tỷ lệ phù hợp sau đó giã nhuyễn bằng cối. Thợ đúc đắp hỗn hợp đất sét trộn vào cốt mẫu tạo thành khuôn 2 nửa, sau đó rút cốt mẫu ra và dùng đất cùng bột chịu nhiệt làm cốt bên trong. Tiếp đó, khuôn được nung chín, để nguội rồi chỉnh sửa lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt, nung lại 1 lượt ở nhiệt độ 500 độ C, ghép khuôn thành 1 khối.
Làm xong khuôn, thợ đúc lại tỷ mẩn chọn đồng để đúc. Tùy từng loại sản phẩm mà thợ đúc đồng Đồng Quỹ chọn đồng vàng, đồng đỏ, đồng tam thất... để nấu. Xong khâu nguyên liệu, thợ đúc cho đồng nguyên liệu vào nấu nóng chảy rồi rót vào khuôn. Chờ khuôn nguội, người thợ dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục, khảm theo mẫu. Đối với việc đúc chuông, anh Viết cho biết quá trình đúc cũng “áp dụng” công thức như với các sản phẩm khác.
“Tuy vậy, đúc chuông đồng đòi hỏi phải cẩn trọng và tỷ mỉ hơn, nhất là khâu khảm hoa văn. Lý do là bởi các hoa văn trang trí trên thân chuông khá phức tạp và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Vì vậy, khi đúc chuông đồng, ngoài tay nghề chúng tôi còn phải có kiến về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là am hiểu Phật pháp”, anh Viết cho biết thêm. Ngày nay, để đơn giản hóa các khâu đúc đồng, một số cơ sở đúc trong thôn đã đầu tư các loại máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất như: trang bị lò đúc bằng điện, máy đánh bóng sản phẩm, máy làm khuôn… Vì vậy, chất lượng sản phẩm đồ đồng của thôn ngày càng được nâng lên.
Từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và kỹ thuật đúc đồng điêu luyện những người thợ đúc đồng Đồng Quỹ đã tạo ra nhiều sản phẩm đồ đồng chất lượng, tinh xảo, được thị trường trong và ngoài nước tin dùng, đánh giá cao. Giữ lửa nghề, đến nay, thôn Đồng Quỹ có 10 cơ sở đúc đồng. Trung bình mỗi cơ sở tiêu thụ từ 1-2 tấn đồng nguyên liệu/tháng, tạo việc làm cho 6-10 lao động với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Từ nghề xưa, hầu hết các hộ gia đình theo nghề đúc đồng ở Nam Tiến đều sống “khỏe” với nghề. Đặc biệt, nhận thấy hiệu quả kinh tế của nghề, một số hộ gia đình ở các thôn xóm khác trong xã cũng đã mở lò nấu đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân theo nghề.
Từ củi, than, rơm, rạ, đồ phế liệu, đồng nát… qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ đúc đồng Đồng Quỹ đã thành những sản phẩm đồng tinh xảo, mang giá trị kinh tế, văn hóa cao. Điều đáng quý hơn cả là người dân làng nghề luôn có ý thức gìn giữ, phát triển nghề xưa. Tại nhiều cơ sở đúc đồng trong xã dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thanh niên vạm vỡ, mạnh khỏe đang miệt mài làm nghề. Để rồi từ đó, những mâm, niêu, chuông, khánh, tượng, thanh la, cồng, chiêng… đều đặn ra lò, viết tiếp truyền thống, lịch sử làm nghề của thôn làng./.
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202405/tinh-hoa-nghe-duc-dong-o-nam-tien-4d014a4/