Tình hình COVID-19 ngày 20/6: Thế giới có gần 180 triệu ca mắc
Số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới tiếp tục tăng. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 20/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 178.939.856 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.874.879 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua có thêm 351.514 ca mắc mới và 7.755 ca tử vong. Hiện có 163.466.986 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 11.597.991 bệnh nhân đang điều trị.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.401.712 ca mắc và 617.083 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 29.881.352 ca mắc, trong đó 386.740 ca tử vong.
Tiếp đó là Brazil với 17.883.750 ca mắc và 500.868 ca tử vong. Đáng chú ý, xét theo số ca tử vong, Brazil đã trở thành nước thứ 2 trên thế giới vượt 500.000, chỉ sau Mỹ.
Trong tuần qua, tỉ lệ trung bình số ca nhiễm mới theo ngày được ghi nhận xung quanh mốc 70.000 ca, trong khi tỉ lệ tử vong trung bình là gần 2.000 người. Đây được coi là một trong những thời điểm tồi tệ nhất mà Brazil phải trải qua kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào tháng 2/2020.
Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại Brazil có thể phải hứng chịu làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19 trong thời gian tới do chương trình tiêm chủng được triển khai một cách khá chậm.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga khẳng định vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho tất cả người dân và hy vọng sẽ sớm thay đổi tình hình dịch bệnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong 24 giờ qua, thủ đô Ấn Độ chỉ ghi nhận 135 ca nhiễm mới COVID-19 và 7 ca tử vong. Đây là số ca tử vong theo ngày thấp nhất kể từ ngày 1/4 tại New Delhi.
Vào lúc cao điểm, thành phố này ghi nhận trung bình khoảng 25.000 ca mắc mới COVID-19 và hơn 400 ca tử vong mỗi ngày hồi cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức của chính quyền địa phương cho thấy, nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 tại các bệnh viện tư hàng đầu ở New Delhi và vùng thủ đô (NCR) đã giảm mạnh.
Theo các giám đốc bệnh viện hàng đầu ở New Delhi và NCR, trong khoảng thời gian từ ngày 6-12/6, khoảng 40% suất tiêm đã được đặt trước. Nhưng trong tuần tiếp theo, từ ngày 13-18/6, chỉ có 25% suất được đặt. Một nguồn tin cho biết: “Với việc số ca mắc COVID-19 giảm xuống, người dân dường như không còn hào hứng với việc tiêm vắc xin”.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm mới và tử vong nhất trên thế giới, lần lượt là 137.829 và 3.646.
Tính đến nay, khu vực này ghi nhận tổng cộng 31.538.988 ca nhiễm, trong đó có 968.175 trường hợp không qua khỏi. Tiếp đó là châu Á, với 129.029 ca nhiễm mới và 2.416 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại châu lục này lên lần lượt là 54.350.101 và 764.638.
Châu Âu đứng thứ ba với 39.281 ca nhiễm mới và 740 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại châu Âu là 47.426.785 và 1.091.899.
Tại châu Phi, số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua lần lượt là 25.139 và 441. Như vậy, đã có 5.227.149 người nhiễm tại châu Phi, trong đó có 137.475 người không qua khỏi.
Nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan vừa cảnh báo biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Phát biểu họp báo, bà Swaminathan cho biết: "Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng".
Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức "biến thể đáng lo ngại". Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này.
Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh, Đức và Nga.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.
Ông Montgomery cảnh báo rằng chừng nào chưa đạt đủ tỉ lệ số lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)