Tình bạn dưới mái trường Xô-viết

Gần 40 năm trước, Thượng tá Phan Đức Lạc, Chủ nhiệm an toàn bay, Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) và ông Hồ Văn Hồng là những học viên Lớp dẫn đường trên không được học tập tại Liên Xô.

Dù thời gian đã lùi xa nhưng tình bạn giữa hai người vẫn luôn gắn bó bền chặt. Mỗi lần gặp mặt, họ lại bồi hồi kể về những kỷ niệm khó phai trên xứ sở bạch dương.

Mùa thu năm 1981, học viên Phan Đức Lạc và Hồ Văn Hồng cùng đồng đội rời Việt Nam sang Liên Xô học tập. Năm thứ nhất, đoàn học viên quân sự Việt Nam được học kiến thức cơ bản tại Trường Đại học Hàng không Kiev. Lần đầu xa quê hương, mọi thứ ở đây đều trở nên bỡ ngỡ. Nhưng có lẽ nỗi nhớ nhà là da diết nhất. Thời đó, phương tiện liên lạc còn khó khăn, mọi thông tin về gia đình hầu như rất ít. Vốn cùng quê Nghệ An nên những khi rảnh rỗi, hai người thường kể cho nhau nghe về làng xóm của mình, khi nhận được thư gia đình thì cùng nhau chia sẻ để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Phan Đức Lạc (bên phải) và Hồ Văn Hồng trong thời gian học tập tại Liên Xô. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Kết thúc năm học thứ nhất, cả hai người được chọn học chuyên ngành dẫn đường trên không máy bay vận tải An-24 và An-26 tại Trường Ki-rô-vô-grat. Đây là giai đoạn học tập vất vả nhất. Trên lớp, cả hai cùng nhau chia sẻ những nội dung lý thuyết chuyên ngành phức tạp, vấn đề gì chưa hiểu thì tiến hành truy trao và nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo. Bước sang thực hành, những bài bay đầu đã để lại ấn tượng khó quên. Lạc và Hồng bay một cặp thay nhau lên buồng lái để thầy kèm cặp hướng dẫn. Có những ban bay đêm, 21 giờ mới lấy đề bài, anh em lại về làm công tác chuẩn bị, trao đổi kỹ về các thông số, đường bay, 23 giờ lên máy bay thực hiện các nội dung bài tập. Nhiều hôm về đến phòng nghỉ cũng đã 4 giờ sáng.

Kể về kỷ niệm trong huấn luyện, cả hai người đều nhớ về chuyến bay gặp sự cố phát sinh. Ông Lạc kể lại: “Đó là chuyến bay đêm, khi máy bay chuẩn bị về hạ cánh thì thời tiết bỗng diễn biến bất thường, tuyết rơi dày đặc không thể hạ cánh tại sân bay chính thức được. Thấy học viên có vẻ lo lắng, thầy giáo đã động viên kịp thời, báo cáo chỉ huy bay và đưa máy bay về sân bay dự bị hạ cánh. 2 giờ đêm hôm đó, thời tiết khá hơn, máy bay mới cất cánh trở về”. Sau chuyến bay ấy, hai người có thêm bài học về xử trí tình huống trên không. Quá trình huấn luyện là quá trình rèn luyện bản lĩnh, tâm lý, nâng cao trình độ chuyên môn cho đôi bạn ham bay say học.

Sau những giờ huấn luyện căng thẳng, Lạc và Hồng lại có những phút giây thư giãn ngoài sân tập thể thao. Cả hai đều yêu bóng đá. Mỗi khi vào trận, Hồng đá hậu vệ còn Lạc đá vị trí tiền đạo. Những pha chuyền bóng ăn ý, những bàn thắng đẹp mắt đã tạo tinh thần phấn khởi, tiếp thêm động lực để cả hai học tập tốt hơn. Là những học viên tích cực nên cả Lạc và Hồng được cô giáo chủ nhiệm Ta-chi-ren-cô rất quý mến. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, cô giáo lại mời hai bạn học viên Việt Nam về thăm khu trang trại ở vùng ngoại ô cách trường 60km. Cả hai nhớ mãi những buổi dã ngoại được làm vườn, nấu ăn, chụp ảnh kỷ niệm với gia đình cô giáo.

Kết thúc 3 năm học, Phan Đức Lạc và Hồ Văn Hồng đều được nhận bằng giỏi. Tháng 9-1985 khi trở về nước, hai người đều về sân bay quân sự Gia Lâm công tác. Sau này do dôi dư biên chế, ông Hồng đã chuyển công tác sang Cảng hàng không Vinh, còn ông Lạc vẫn miệt mài gắn bó với những cánh bay vận tải của đơn vị. Mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, điều kiện đi lại xa cách nhưng khi gặp lại, cả hai vẫn dành cho nhau tình cảm gắn bó mặn nồng như thời thanh niên sôi nổi dưới mái trường Xô-viết.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tinh-ban-duoi-mai-truong-xo-viet-599223