Tin ngân hàng ngày 24/10: Kiều hối về TP HCM 9 tháng tăng 40%
NHNN chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 6.419 tỷ đồng; Ông Phạm Mạnh Thắng được bầu làm chủ tịch HĐQT PG Bank; Đã giải ngân hơn 96 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Kiều hối về TP HCM 9 tháng đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 40%
Kiều hối chuyển về TP HCM đạt hơn 6,6 tỷ USD trong 9 tháng, tăng mạnh 40% so với cùng kỳ 2022 và vượt mức cả năm ngoái.
Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN, chi nhánh TP HCM cho biết. Theo đó, đây là mức cao kỷ lục so với cùng giai đoạn các năm trước. Riêng quý III, kiều hối về TP HCM hơn 2,35 tỷ USD, tăng so với quý II và quý I đầu năm nay.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay lượng kiều hối chuyển về thành phố tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, quý sau tăng cao hơn quý trước và duy trì ở mức tăng trưởng khá.
Lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, cụ thể chiếm hơn 53% kiều hối về thành phố và tăng gần 20% so với quý trước. Châu Á là khu vực có sự ổn định về kinh tế, chính trị cùng với quan hệ kinh tế, hợp tác lao động ngày càng mở rộng. Do đó, theo ông Lệnh, đây sẽ là khu vực có tác động đến tăng trưởng kiều hối trong thời gian tới.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Hàng năm, lượng kiều hối đổ về riêng TP HCM chiếm hơn một nửa kiều hối của cả nước. Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình ba năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
NHNN chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 6.419 tỷ đồng
Ngày 19/10/2023, NHNN đã có văn bản số 8125/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Cụ thể, NHNN chấp thuận việc BIDV tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.419 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua ngày 28/4/2023.
Văn bản nêu rõ, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật về phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo nội dung trên, BIDV có trách nhiệm trình NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép theo quy định tại Thông tư 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.
Hiện vốn điều lệ của BIDV ở mức 50.585 tỷ đồng. Sau khi phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 57.004 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 12,69%.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, bên cạnh kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, BIDV cũng có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua để tăng vốn điều lệ thêm 4.552 tỷ đồng.
Ông Phạm Mạnh Thắng được bầu làm chủ tịch HĐQT PG Bank
Sáng ngày 23/10/2023, tại tỉnh Ninh Bình, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB) đã tổ chức chương trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2023.
Tại đại hội, Ngân hàng trình cổ đông thông qua 4 nội dung chính, trong đó có nội dung thông qua phương án cơ cấu và nhân sự cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2020-2025. Các ứng viên dự kiến đều đã được thẩm định, phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được các cổ đông bỏ phiếu với tỷ lệ nhất trí cao.
Theo kết quả phiếu bầu tại Đại hội, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ gồm 06 thành viên: ông Phạm Mạnh Thắng, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính, ông Nguyễn Thành Lâm (TV.HĐQT độc lập).
Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 03 thành viên: ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Hạ Hồng Mai.
Cũng tại Đại hội, HĐQT và BKS đã tiến hành họp phiên thứ nhất bầu ra Chủ tịch HĐQT và BKS. Với sự đồng thuận cao, ông Phạm Mạnh Thắng đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Đào Phong Trúc Đại đã được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT và ông Trần Ngọc Dũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát của PGBank.
Ông Phạm Mạnh Thắng - tân Chủ tịch HĐQT PG Bank sinh năm 1962, là Tiến sĩ Kinh tế và có 39 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Hiện nay, Ông Thắng đang là Tổng Giám đốc PG Bank. Trước đây, Ông Thắng là Phó Tổng Giám đốc Vietcombank.
Ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng Ban Kiểm soát của PG Bank - sinh năm 1966, là Cử nhân Tài chính tín dụng; Cử nhân Quản trị kinh doanh; Cử nhân Luật học. Ông Dũng có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và hiện tại giữ chức vụ Trưởng Kiểm toán nội bộ PG Bank. Trước đây, ông Dũng đã từng công tác tại Nam A Bank và là Trưởng ban Kiểm soát tại Eximbank.
Bên cạnh nội dung cơ cấu nhân sự của HĐQT và BKS, Đại hội cũng thông qua các nội dung khác về phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và thông qua thay đổi tên thương mại, chuyển địa điểm đặt trụ sở chính của PG Bank về địa chỉ: Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của NHNN. Kế hoạch này nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của PG Bank trong giai đoạn mới.
Đã giải ngân hơn 96 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội
Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến hết tháng 9/2023, việc giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đã đạt hơn 96,4 nghìn tỷ đồng.
Về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến cuối tháng 8/2023, đã hỗ trợ khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng với hơn 2.100 khách hàng.
Chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân 21.291 tỷ đồng cho hơn 366 ngàn lượt khách hàng. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động.
Về chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, đã phân bổ hơn 166 ngàn tỷ đồng vốn chương trình trong kế hoạch 2022, 2023 góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đường cao tốc, cầu khẩu độ lớn…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai nghị quyết 43 có một số tồn tại hạn chế, Chính phủ đã chỉ rõ nguyên nhân và rút ra 6 bài học kinh nghiệm để thực hiện Nghị quyết 43 và chương trình phục hồi kinh tế-xã hội hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 ngàn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại giải ngân chỉ đạt 1,95% kế hoạch…
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan trong việc triển khai thực hiện chậm; đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp chính sách.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/