Tín dụng chính sách xã hội: Mang tính nhân văn, hợp với xu thế phát triển (Kỳ 2)
Gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp các ngành, đối với tín dụng chính sách xã hội đã chắp thêm đôi cánh cho Ngân hàng Chính sách xã hội vươn mình, hoạt động có hiệu quả thiết thực hơn...
Kỳ 2: Từ Ngân hàng phục vụ người nghèo đến sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội
- Ngày 10/6/1993, hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HNTW về việc tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Đảng ta chủ trương có tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, vùng nghèo, dân tộc thiểu số, cùng cao, căn cứ địa cách mạng, mở rộng hình thức cho vay thông qua tín chấp đối với các hộ nghèo.
Đây là cơ sở nền tảng để Nhà nước, các cấp, các ngành có chủ trương chính sách, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng và chiến lược Quốc gia về xóa đói giảm nghèo.
Ngày 17/3/1995, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-NH14 về việc lập vốn ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, với số vốn đầu tiên là 400 tỷ đồng.
Sau 5 tháng hoạt động của quỹ cho vay ưu đãi ngày 31/8/1995 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg cho phép thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo để giúp người nghèo vay vốn phục vụ sản xuất giải quyết đời sống góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện bảo tồn vốn ban đầu, phát triển với bù đắp chi phí.
Tổng doanh số cho vay của Ngân hàng phục vụ người nghèo giai đoạn 1995 - 2002 là: 15.264 tỷ đồng, với 7.867 lượt hộ nghèo được vay vốn, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 1995 - 2002 là 14,3 lần, tăng bình quân 59,7%/năm.
Nhờ áp dụng hợp lý các chính sách mà vốn tín dụng, Ngân hàng phục vụ người nghèo đã giúp cho một bộ phận không nhỏ người nghèo có việc làm, tăng thu nhập góp phần giúp cho 644 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo đói, cứ 5,3 hộ vay vốn ngân hàng phục vụ người nghèo đã có 1 hộ thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ 58,1% năm 1993 xuống còn 24,1% năm 2004.
Đó là khái quát kết quả to lớn của hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo. Kết quả của đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chính sách ý Đảng, hợp lòng dân. Đó là những cơ sở để Nhà nước có những quyết định, giải pháp toàn diện hơn để sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Ngày 04/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo tách khỏi Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Sự ra đời và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã khắc phục được mặt hạn chế của Ngân hàng phục vụ người nghèo, vì Ngân hàng phục vụ người nghèo chỉ sử dụng vốn tín dụng chính sách phục vụ người nghèo. Từ sự bó hẹp đó, việc huy động vốn và sử dụng vốn cũng hạn chế, chưa phát huy hết được nhu cầu của các đối tượng chính sách khác.
Ngân hàng Chính sách xã hội vừa phục vụ người nghèo, vừa phục vụ các đối tượng chính sách khác. Đáp ứng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương, đến cấp huyện, thị xã trong cả nước. Với mục đích hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận, người vay không phải thế chấp tài sản. Ngân hàng tin tưởng vào đối tượng người vay, người vay thực hiện trách nhiệm của mình với vốn vay theo lòng dân với ý Đảng. Từ đó đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện, thị đến cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá: “Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, từ đó các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện.
- Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương là ánh sáng, niềm tin của Đảng để Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức có hiệu quả hơn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Và gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp các ngành, đối với tín dụng chính sách xã hội đã chắp thêm đôi cánh cho Ngân hàng Chính sách xã hội vươn mình, hoạt động có hiệu quả thiết thực hơn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động vốn tín dụng chính sách xã hội đáp ứng để tạo vốn cho người nghèo, hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Mở ra nhiều chương trình mới để cho vay là minh chứng sống động sự kết tinh, thống nhất bền chặt của "Ý Đảng - Lòng Dân" đã góp phần phát huy ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đi lên và phát triển bằng nội lực, bằng tự vươn lên của con người Việt Nam để thực hiện tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân.
Tính đến ngày 30/9/2024 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại đạt trên 375,5 nghìn tỷ, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ các địa phương đạt 78,527 tỷ, tổng dư nợ 357,2 nghìn tỷ, có hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay và đang còn dư nợ. Đã tạo việc làm cho hơn 538 nghìn lao động, giúp gần 7000 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn ở nước ngoài, 5,5 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm. Giúp gần 38,3 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh cần vốn để học tập. Cho vay để xây dựng 1440 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, xây dựng 987 căn nhà ở hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 3,8 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách … Đã đem lại hiệu quả thật sự góp phần vào chương trình quốc gia về công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Đó là những con số nói lên kết quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, thông qua trên 11.000 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả.
Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động nhạy bén đưa ra các giải pháp tín dụng, góp phần để cùng Đảng, Nhà nước khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 3 để lại, cùng Nhà nước và Nhân dân cả nước tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát thực hiện chương trình Quốc gia về xóa nhà tạm, nhà tranh tre dột nát về đích trong năm 2025 với quan điểm "Để không ai bị bỏ lại phía sau".