Tín dụng chính sách 'tiếp sức' giúp người dân nghèo Tây Ninh đổi đời
Nhờ sự góp sức của dòng vốn chính sách, người dân tỉnh Tây Ninh đã chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả… và dần khấm khá hơn.
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thoát nghèo
Với hơn 2ha trồng bắp nhưng hiệu quả kinh tế không cao, gia đình anh Thái Văn Dương (xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) quyết định chuyển đổi sang trồng chanh không hạt.
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, xử lý ra hoa. Không nản lòng, anh Dương vừa làm vừa học hỏi cách trồng chanh từ sách vở, mạng internet và vừa rút kinh nghiệm thực tế ở vườn chanh của gia đình.
Đến nay vườn chanh không hạt của gia đình anh rất sai quả, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 350 tấn trái năm và được thương lái bao tiêu sản phẩm.
“Trung bình, mỗi vụ chanh sau khi trừ các chi phí như phân bón, công hái… gia đình thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha”, anh Dương cho hay.
Ông Trần Văn Trọng (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay nông dân trồng sắn ở huyện đa số sử dụng giống sắn KM505, nhưng giống sắn này vẫn đang bị nhiễm bệnh khảm lá, làm cho năng suất sắn giảm sút đáng kể.
“Vụ trồng sắn 2022, gia đình tôi trồng 3 ha sắn (giống KM505) với năng suất bình quân chỉ khoảng 30 tấn/ha. Vì vậy, năm 2023 gia đình tôi chuyển khoảng 1ha sang giống sắn kháng khảm HN5 và thu năng suất bình quân tới 45 - 50 tấn/ha. Với giá sắn vụ mùa vừa qua dao động từ 3.300-3.400 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi đạt lợi nhuận tới 40-50 triệu đồng/ha”, ông Trọng cho hay.
Cũng theo ông Trọng, hiện gia đình còn đang trồng 2 ha sắn từ nguồn giống sắn bị nhiễm khảm lá nhẹ. Lý do ông chưa triển khai trên diện tích lớn bởi giá sắn giống kháng khảm lá hiện nay khá cao (khoảng 200.000 – 270.000 đồng/bó 20 cây, cần đầu tư khoảng 50 bó cho 1ha). Do đó, để tiết kiệm chi phí đầu tư giống, gia đình ông chỉ trồng diện tích nhỏ để nhân giống.
“Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền và nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình tôi khó vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, ông Trọng nói.
“Nóc nhà Nam Bộ” từng bước thay da đổi thịt
Hơn 10 năm trước, Tây Ninh là một trong những tỉnh thành khó khăn nhất khu vực Đông Nam Bộ với tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2012 khoảng 13.696 hộ (7.308 hộ nghèo, 6.388 hộ cận nghèo) chiếm tỷ lệ 4,89% so với tổng số hộ, phải đối diện với vô vàn thách thức như cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, điều kiện địa lý khí hậu khô hạn triền miên.
Nhưng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đặc biệt là việc triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, miền đất này đã dần “thay da đổi thịt”…
Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020 và triển khai Chỉ thị 40-CT/TW ở Tây Ninh trong 10 năm qua là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, điểm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị là Chi nhánh đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khơi dậy sức mạnh nội lực được huy động từ nguồn lao động tại chỗ và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
“Việc đưa Chỉ thị 40-CT/TW của Đảng vào cuộc sống được xem là khâu đột phá cho nguồn vốn chính sách tăng trưởng nhanh và hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy hiệu quả. Thế nên, người dân được hưởng lợi nhiều trong quá trình giảm nghèo nhanh, làm giàu chính đáng”, ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh chia sẻ.
Cụ thể, tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 535,2 tỷ đồng, tăng 483,3 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh đạt 425,8 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện đạt 109,3 tỷ đồng, nguồn lực của Mặt trận Tổ quốc cấp ủy, huyện, xã đã mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền là 27,371 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng 2.787,5 tỷ đồng so với 10 năm trước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Đặc biệt, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn lại 2.502 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,79%, giảm 3,53% (hộ nghèo giảm 2,10%, hộ cận nghèo giảm 1,43%). Như vậy, ở thời điểm này, Tây Ninh đã không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương. Đồng thời, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng chính sách giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh chỉ có 5.804 hộ, tỷ lệ 1,81% (Gồm có 2.064 hộ nghèo, tỷ lệ 0,64%; có 3.740 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,17%).
Hiện tại, kết quả rà soát hộ không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (để hưởng chính sách hỗ trợ năm 2024), toàn tỉnh chỉ còn 567 hộ với 693 người, trên tổng số 322.582 hộ dân.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với những kết quả ấn tượng, như: Hơn 18.700 lượt hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo; gần 19.000 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 67.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; xây dựng 308.000 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn và 362 căn nhà mới khang trang.