Tìm lại nét đẹp văn hóa Đông Sơn
Văn hóa Đông Sơn gắn với thời đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang từng phát triển rực rỡ. Những hiện vật còn lại cho thấy đời sống văn hóa, xã hội hết sức phong phú, cư dân có trình độ thẩm mỹ, kỹ thuật cao.
Hiện nay, những giá trị văn hóa Đông Sơn, nhất là về mỹ thuật, trang trí chưa được biết đến nhiều, thậm chí có các hình tượng còn bị sử dụng sai lệch. Thông qua dự án “Văn Lang họa đồ”, nhóm các bạn trẻ của hai diễn đàn Lược sử Việt tộc và Hoa văn Đại Việt đã và đang tìm lại cũng như lan tỏa vẻ đẹp các họa tiết, hoa văn của văn hóa Đông Sơn bằng công nghệ, để có thể tiếp cận, sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Mỗi họa tiết, hoa văn khi được số hóa dưới định dạng vector sẽ là một “nguyên liệu” để mọi người tải về để sử dụng. Việc tạo ra mỗi hoa văn như thế tốn rất nhiều công sức nghiên cứu và thao tác trên máy tính.
Lan tỏa đến cộng đồng
Nguyễn Thanh Hiếu - quản trị viên của diễn đàn Hoa văn Đại Việt, đang cùng họa sĩ Mai Anh trao đổi, chỉnh sửa những chi tiết của các họa tiết, hoa văn trên mặt trống đồng Kính Hoa 1 (Bảo vật quốc gia, thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Kính, Hà Nội) dưới định dạng vector.
Mặt trống có hàng trăm họa tiết khác nhau. Có những họa tiết phức tạp, các đường nét trên trống đồng vốn thanh mảnh, quá trình chụp, scan lại, không ít chi tiết bị mờ đi, khiến việc vẽ lại các hoa văn dưới định dạng vector tốn rất nhiều thời gian.
Với những tổ hợp họa tiết như mặt trống đồng, thông thường cần những buổi làm việc nhóm để trao đổi về từng chi tiết sao cho chính xác nhất với phiên bản gốc, hoặc vừa vẽ, vừa trao đổi trực tuyến với nhóm làm việc.
Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa bản địa của Việt Nam, gắn liền với thời đại của nhà nước Văn Lang của Hùng Vương và nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương xây dựng. Văn hóa Đông Sơn từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VII trước Công nguyên và chỉ suy tàn khi nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc.
Những phát hiện khảo cổ về văn hóa Đông Sơn trong suốt thế kỷ qua cho thấy nhiều khía cạnh về cuộc sống cư dân Việt cổ. Nhiều hiện vật thời Đông Sơn hiện nay đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nguyễn Thanh Hiếu là quản trị của Hoa văn Đại Việt - một diễn đàn về văn hóa, mỹ thuật cổ truyền nổi tiếng nhiều năm nay.
Năm 2017, nhóm Hoa văn Đại Việt cùng một số đối tác đã trình làng dự án Hoa văn Đại Việt, gồm 250 mẫu hoa văn của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ phong kiến được chuyển sang định dạng vector. Trong đó 200 mẫu miễn phí, mọi người có thể vào trang của Hoa văn Đại Việt tải về sử dụng.
Vốn đam mê văn hóa cổ, Hiếu tìm hiểu về văn hóa thời Đông Sơn và chợt nhận thấy đó lại là một “kho” hoa văn, họa tiết vô cùng phong phú khác. Chỉ có điều, hầu hết chúng đã bị lãng quên, đôi khi còn bị sử dụng không hợp lý.
Trong lúc nung nấu ý tưởng số hóa họa tiết, hoa văn Đông Sơn nhưng gặp quá nhiều khó khăn cả về nhân lực, tư liệu, thời gian lẫn tài chính thì nhóm bạn trẻ của Hoa văn Đại Việt được biết nhóm Lược sử tộc Việt cũng đang ấp ủ ý tưởng đem những nét đẹp văn hóa Đông Sơn trở lại. Dự án Văn Lang họa đồ ra đời từ cuối tháng 4/2023 là kết quả của sự hợp tác ấy.
Fanpage Lược sử tộc Việt ra đời từ năm 2017, là diễn đàn chuyên về lịch sử, văn hóa Việt thời kỳ sơ sử, hiện có 36 nghìn lượt người theo dõi, được thành lập bởi một bạn trẻ khác - Lương Ngọc Linh (hiện đang làm việc tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thời kỳ sơ sử, buổi đầu dựng nước, chính những thiếu hụt về ghi chép lịch sử làm Lương Ngọc Linh đam mê và dành thời gian nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn và các nền văn hóa tiền Đông Sơn như: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun.
Linh không chỉ tiếp cận những tư liệu trong nước mà còn tìm hiểu về văn hóa Đông Sơn qua các tạp chí uy tín của nước ngoài, qua các cuộc đấu giá cổ vật để từ đó chắt lọc ra những thông tin giá trị. Từ những nguồn khác nhau, Linh có một kho dữ liệu đồ sộ về văn hóa Đông Sơn.
Nếu tính các hoa văn, họa tiết trang trí trên trống đồng, thạp đồng, rìu đồng, công cụ lao động, vũ khí…, Linh sưu tập được hàng nghìn hoa văn khác nhau. Nhóm Lược sử tộc Việt có thế mạnh về tư liệu, còn nhóm Hoa văn Đại Việt lại tập hợp nhiều chuyên gia về công nghệ. Sự bổ sung này là một lợi thế lớn để nhóm tác giả có thể số hóa những dữ liệu về văn hóa Đông Sơn.
Lương Ngọc Linh cho biết: “Trong hàng nghìn mẫu, chúng tôi phân loại và lựa chọn 250 mẫu để chuyển sang định dạng vector. Trong đó, cũng sẽ có 200 mẫu hoa văn miễn phí. Mọi người đều có thể tải về và ứng dụng. Chúng tôi hy vọng qua đó nét đẹp của văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa bản địa của chúng ta được biết đến trong cuộc sống hiện đại”.
Kho báu cần tiếp tục khai thác
Văn hóa Đông Sơn không chỉ là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam mà còn của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, di vật văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, được làm từ nhiều chất liệu như đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá…
Trong đó, nổi trội hơn cả là bộ sưu tập hiện vật đồng thau. Theo chức năng sử dụng, chúng thuộc nhiều sưu tập khác nhau như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức, nghệ thuật và đồ minh khí góp phần tạo nên diện mạo phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn.
Là những người nghiên cứu “nghiệp dư” trẻ tuổi, những bạn trẻ của Hoa văn Đại Việt và Lược sử tộc Việt cũng nhận ra điều đó. Tuy nhiên, các bạn trẻ có hướng tiếp cận mới mẻ hơn, đó là tiềm năng ứng dụng của mỹ thuật Đông Sơn vào đời sống đương đại.
Trong trang trí, thiết kế các sản phẩm, chúng ta vẫn thường vay mượn các yếu tố nước ngoài.
Những hoa văn của các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn có giá trị mỹ thuật rất cao.
Chẳng hạn chỉ tính riêng hoa văn Đông Sơn có thể phân thành một số nhóm như: Nhóm hình vẽ hình học, động vật (chim, cá, ếch, giao long, voi, bò, trâu, ngựa…), người với nhiều tư thế chiến đấu, sinh hoạt…
Mỗi nhóm lại có hàng chục, hàng trăm mẫu. Đây thật sự là một kho tàng mỹ thuật ứng dụng mà chúng ta chưa quan tâm đúng mức.
Cùng lúc với việc mỹ thuật Đông Sơn chưa được khai thác, phát huy thì còn một vấn đề khác xảy ra, đó là sử dụng hoa văn, họa tiết Đông Sơn chưa đúng chức năng.
Thí dụ có những hoa văn thể hiện tính “thiêng” lại được sử dụng trang trí trong những sản phẩm mang tính đời thường. Đây là một động lực khác để các bạn trẻ quyết tâm triển khai dự án Văn Lang họa đồ để nét đẹp văn hóa Đông Sơn được sử dụng vừa đúng, vừa rộng rãi.
Đi kèm với mỗi hoa văn là những diễn giải về giá trị, ý nghĩa. Nhóm dự án sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia để có phần diễn giải hợp lý nhất. Đến thời điểm này, Dự án Văn Lang họa đồ đã số hóa thành công gần 50 mẫu.
Năm 2017, Dự án Hoa văn Đại Việt cũng chịu không ít “búa rìu” dư luận, nhất là thời điểm đó chúng tôi còn rất trẻ, là những sinh viên mới ra trường. Nhưng sau đó, nhiều mẫu hoa văn có hàng nghìn lượt tải.
Rất nhiều người thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau đã sử dụng nguồn dữ liệu này trong trang trí, thiết kế.
Mới đây, một nhóm chuyên về cổ phục đã trao đổi với tôi rằng các bạn ấy đã khai thác rất nhiều mẫu của Hoa văn Đại Việt để may trang phục cổ.
Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn bộ 250 mẫu sẽ hoàn thành. Ngay trong lúc triển khai số hóa hoa văn Đông Sơn, nhóm bạn trẻ đã kết hợp với các đối tác sản xuất, thương mại hóa một số sản phẩm sử dụng hoa văn này như: đồng hồ, túi xách, hộp quà tặng… Với sự giúp đỡ của Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, nhóm dự án đang chuẩn bị tiếp cận thêm nhiều mẫu hoa văn trên các hiện vật của Trung tâm.
Do những khó khăn về kinh phí nên Dự án Văn Lang họa đồ triển khai thông qua kêu gọi đóng góp của cộng đồng. Những nhà hảo tâm sẽ được tặng 50 mẫu hoa văn bản “giới hạn”.
Theo Nguyễn Thanh Hiếu, khối lượng công việc của dự án rất lớn, cần sự chính xác, khoa học cao nên một số phần việc các bạn không thể “tải” hết cần thuê người làm. Đây cũng là cách mà Dự án Hoa văn Đại Việt triển khai thành công cách đây sáu năm. Kho dữ liệu về văn hóa Đông Sơn sẽ không dừng lại ở 250 vector sau khi dự án hoàn thành.
Cũng giống như Dự án Hoa văn Đại Việt, nhóm bạn sẽ tiếp tục bổ sung những mẫu mới để cộng đồng khai thác, sử dụng.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tim-lai-net-dep-van-hoa-dong-son-177825.html