Tìm kiếm mô hình phát triển hài hòa cho hai trung tâm tài chính

Nhiều ý kiến khuyến nghị phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng và TPHCM như một phòng thí nghiệm đổi mới về fintech, đặc biệt là blockchain. Nhưng lựa chọn mô hình nào để phát huy thế mạnh chuyên biệt của từng nơi, đồng thời giữ được sự hài hòa trong tổng thể hệ thống tài chính vẫn là bài toán khó.

Lựa chọn cân bằng giữa hai trung tâm tài chính

Theo kế hoạch của Chính phủ, trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025, với mục tiêu phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.

Chuẩn bị cho việc này, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã bố trí khu đất 9,7 hecta để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính, nằm liền kề Khu công viên phần mềm số 2, một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin chất lượng cao. Với TPHCM, việc xây dựng trung tâm tài chính dự kiến ở khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, khi xây dựng hai trung tâm tài chính quốc tế, việc phân biệt rõ ràng định hướng và giá trị giữa hai nơi là rất quan trọng, nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Theo đó, Hà Nội là trung tâm chính cho việc hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước. Còn TPHCM là cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. Giờ đây, Đà Nẵng xuất hiện như một cầu nối chiến lược giữa hai đầu tàu kinh tế này.

Đại diện các Sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng giới thiệu về dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính quốc tế tại quận Sơn Trà. Ảnh: Lê Minh Sơn.

Đại diện các Sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng giới thiệu về dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính quốc tế tại quận Sơn Trà. Ảnh: Lê Minh Sơn.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hai khái niệm về trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là tương đối. "Không có mô hình nào cao hay thấp hơn. Đây là hai trung tâm tài chính độc lập, mỗi địa phương có vai trò, chứng năng và tương tác lẫn nhau", ông Quảng nói tại hội thảo về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ngày 16-1.

Trong bối cảnh trên, ông Andy Khoo, Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings khuyến nghị, TPHCM nên tập trung vào thị trường vốn. Trong khi đó, Đà Nẵng phát triển chuyên sâu về tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.

"Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể đóng vai trò như một phòng thí nghiệm đổi mới, thử nghiệm các công nghệ tài chính mới và tích hợp chúng vào hệ sinh thái đã phát triển của TPHCM", ông Andy Khoo nói.

Cũng theo Tổng giám đốc Terne Holding, Đà Nẵng có thể trở thành một sandbox (khung pháp lý thử nghiệm - PV) cho các startup trong các lĩnh vực như blockchain, thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (Gen AI).

“Với các chính sách khuyến khích đổi mới, thành phố có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu và trở thành trung tâm đổi mới fintech trong khu vực”, ông Andy Khoo nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam kiến nghị, thành phố Đà Nẵng cần khai thác rất nhanh mô hình tài chính fintech, cho phép tập hợp khách hàng xuyên biên giới. “Các hướng fintech cụ thể, gồm công nghệ thanh toán, công nghệ bảo hiểm, công nghệ tuân thủ, quản lý tài sản, an ninh mạng và blockchain”, ông Trung nói.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, theo ông, Đà Nẵng cần tập trung vào ba yếu tố chính.

Thứ nhất, xây dựng trung tâm tài chính theo nghị quyết 259 của Chính phủ, kết hợp với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo nghị quyết số 136/2024 của Quốc hội, gắn kết với ngành du lịch cao cấp.

Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua tích hợp các hoạt động kinh tế mới và cũ trong các cơ chế đặc thù của thành phố, tránh phụ thuộc vào một cơ chế riêng lẻ.

Thứ ba, thực tiễn hóa các vấn đề quan trọng cụ thể như thử nghiệm giao dịch tài sản mã hóa, sàn giao dịch carbon, sàn giao dịch dữ liệu…

Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Trung cho biết, sẽ hỗ trợ thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách vượt trội để thúc đẩy phát triển fintech (công nghệ tài chính), blockchain tại Trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ blockchain và AI.

Ngược lại, vị này cũng mong muốn UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho Hiệp hội nghiên cứu các nội dung để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.

Nhà đầu tư vẫn ngóng chờ chính sách

Trước viễn cảnh hai trung tâm tài chính có thể đi vào vận hành trong năm 2025, một số nhà đầu tư như Vietcombank đã bày tỏ nguyện vọng tham gia cung cấp các dịch vụ, gồm: hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện giao dịch đa tiền tệ; cung cấp các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn và hoán đổi ngoại tệ; tư vấn chiến lược ngoại hối, giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả dòng tiền; dịch vụ lưu ký, giám sát, quản trị quỹ và đại lý chuyển nhượng cho gồm quỹ đầu tư chứng khoán, khách hàng cá nhân và tổ chức.

Khu đất 9,7 ha ở Khu Tây Bắc, đường dẫn lên cầu Thuận Phước, một nơi dự kiến xây dựng trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Minh Sơn.

Khu đất 9,7 ha ở Khu Tây Bắc, đường dẫn lên cầu Thuận Phước, một nơi dự kiến xây dựng trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Minh Sơn.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank thừa nhận, có một số thách thức khi triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ tại trung tâm tài chính. Trước hết là cần khung pháp lý cho phép cơ chế thử nghiệm và kiểm soát rủi ro, bảo mật khi triển khai công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính như blockchain và AI; Singapore, Hồng Kông đã có hệ thống tài trợ thương mại số hóa tiên tiến, đặt ra áp lực lớn cho hai trung tâm tại Việt Nam trong việc tạo lợi thế cạnh tranh.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc pháp chế và đối ngoại của MoMo cho biết, yếu tố cần nhất của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), sàn giao dịch hàng hóa là có các chính sách mới cho mô hình mới hoạt động, thay vì ưu đãi thuế, phí, đất đai…

Theo dại diện MoMo, những nền tài chính lớn trên thế giới hiện đã xác định “lõi” của ngân hàng số là công nghệ, trong khi mô hình ngân hàng truyền thống được chuyển đổi số sẽ không thể đi nhanh so với thế giới.

“Điều này có thể thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Nếu thử nghiệm thành công trong Trung tâm tài chính quốc tế, có thể cung cấp sản phẩm mới ra thị trường toàn Việt Nam thì mới hấp dẫn nhà đầu tư bước vào”, ông Phước nói.

Cũng theo ông Phước, các chính sách thu hút nhà đầu tư nên có sự phân chia theo ba nhóm. Thứ nhất, các định chế tài chính quốc tế vào hoạt động theo mô hình truyền thống.

Thứ hai, các fintech cung cấp sản phẩm tài chính phái sinh, với mong muốn chính sách mở, sandbox thử nghiệm.

Thứ ba, đơn vị cung cấp giải pháp, hạ tầng cho các nhà đầu tư. Nhóm này quan tâm đến chính sách con người, kỹ thuật, nhập khẩu thiết bị…

Còn ông Lê Hoàng Tùng khuyến nghị cơ quan quản lý sớm ban hành các chính sách, như: Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cho phép áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính; Thông tư quy định việc triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) trong ngành ngân hàng; hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng trong thanh toán kỹ thuật số và các giao dịch tài chính.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác với các trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hồng Kông, Dubai... để học hỏi kinh nghiệm quản lý, phát triển các sản phẩm, dịch vụ.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tim-kiem-mo-hinh-phat-trien-hai-hoa-cho-hai-trung-tam-tai-chinh/