Tìm hướng đi mới cho KCX-KCN TPHCM

Ngày 29-9, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM kỷ niệm 25 năm thành lập, đồng thời tổ chức tọa đàm 'Định hướng phát triển các KCX-KCN TPHCM đến năm 2015, tầm nhìn năm 2030'.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với các đại biểu tại buổi Tọa đàm “Định hướng phát triển các KCX-KCN TPHCM đến năm 2015, tầm nhìn năm 2030”

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự và có chỉ đạo quan trọng. Cùng dự có đại diện các sở ban ngành, doanh nghiệp.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Báo cáo tóm tắt kết quả sau 25 năm xây dựng và phát triển các KCX-KCN TPHCM, Trưởng Ban quản lý KCX-KCN TP Nguyễn Hoàng Năng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được của 17/19 KCX-KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 4.500/8.900ha, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thách thức. Cụ thể, đa số các dự án đầu tư có quy mô nhỏ. Trong đó, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ không đáng kể. Chất lượng, công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các KCX-KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng. KCN không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Đáng chú ý, mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” phát sinh nhiều hạn chế, bất cập do KCX-KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật. Do đó, việc ủy quyền cho ban quản lý thực hiện chức năng nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong KCX-KCN chưa được thực hiện triệt để, thống nhất do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Kích cũng cho rằng, tuy TPHCM là địa phương mở đầu và dẫn đầu về phát triển KCX-KCN trong một thời gian dài, nhưng những năm gần đây vai trò đầu tàu trong phát triển này có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCX-KCN chưa làm rõ yếu tố liên kết vùng, ngành và mối liên kết chuỗi sản phẩm. Đặc biệt, “bỏ quên” tiềm năng, lợi thế của TPHCM là hạt nhân, vị trí địa lý, thị trường cũng như cung ứng dịch vụ và liên kết phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, chưa xác định đúng hướng chuyển dịch cơ cấu quy hoạch phát triển công nghiệp TPHCM đến năm 2010, có tính đến năm 2020. Đó là chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên và tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt như ngành điện tử - tin học - viễn thông, hóa chất, cơ khí - chế tạo máy.

Tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Góp ý kiến định hướng phát triển KCX-KCN TPHCM trong thời gian tới, GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, cần xây dựng các cụm ngành công nghiệp mở gắn với công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu theo hướng liên kết vùng. Hoàn thiện các KCN hiện hữu theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối cung cầu hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đảm bảo khả năng lan tỏa và lợi thế quy mô, liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong cụm ngành công nghiệp trong KCN và ngoài KCN với các doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong dài hạn, định hướng quy hoạch nên khuyến khích các doanh nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư vào KCN đối với các ngành có khả năng gây ô nhiễm và tiếng ồn như cơ khí, dệt may, da giày, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa nhựa cao su... để tạo điều kiện áp dụng cơ chế xử lý ô nhiễm tập trung và áp dụng quy trình sản xuất chuẩn.

Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận Phan Chánh Dưỡng đề nghị, cần định vị lại chức năng của Ban quản lý các KCX-KCN với quyền hạn đủ tầm để thực hiện nhiệm vụ thời kỳ mới, tạo động lực phát triển TPHCM trên nền tảng các KCX-KCN hiện nay. “Đối với đơn vị hạ tầng không chỉ lo chuyện lấp đầy KCN, thu phí mặt bằng mà phải tham gia vào việc thúc đẩy sự đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp hiện có. Đồng thời, thúc đẩy phát triển KCN theo hướng cụm ngành phù hợp với năng lực chuyên ngành của các doanh nghiệp và mối quan hệ thị trường”, ông Dưỡng đề nghị.

Tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu đánh giá cao các đề xuất của các chuyên gia lẫn các nhà đầu tư. Khẳng định các KCN nói riêng và công nghiệp TPHCM phát triển chưa xứng tầm, cụ thể, diện tích dành cho KCX-KCN đến nay mới chỉ khai thác được 50% và thiếu sự kết nối đồng bộ từ doanh nghiệp sản xuất, giao thông đô thị và khu dân cư, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở ban ngành và Ban quản lý KCX-KCN cần phải định hình lại, quy hoạch các KCN theo hướng xem xét doanh nghiệp cần gì và TPHCM nên xây dựng mô hình nào cho phù hợp xu hướng phát triển, vừa có tính cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế cao. “Đối với nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nên “đặt hàng” với các trường đào tạo để đáp ứng nhu cầu, chất lượng cao nhất. Bởi hiện nay, nguồn nhân lực trong nước đã đáp ứng cho cả những doanh nghiệp có yêu cầu cao như Intel…”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

LAC PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tim-huong-di-moi-cho-kcxkcn-tphcm-472270.html