Tìm giải pháp quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số

Kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế.

Hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 13/5 tại Hà Nội.

Hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 13/5 tại Hà Nội.

Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp (DN), hơn 3 triệu hộ kinh doanh; trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều DN, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” được tổ chức vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Đặng Ngọc Minh cho rằng, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung, ngành thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.

Đặc biệt, “ngành đang bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các DN trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (như mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...)” - ông Đặng Ngọc Minh cho hay.

Ngành thuế đang bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa: Sông Trà

Ngành thuế đang bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa: Sông Trà

Kết hợp nhiều giải pháp

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế như cần chuyển đổi số toàn diện ngành thuế; kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, cần kết hợp nhiều giải pháp như: hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro.

Còn Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nguyễn Thị Cúc cho rằng, nếu bỏ qua biện pháp quản lý rủi ro, để cá nhân, DN tự khai, tự nộp, thì sẽ tạo lỗ hổng rất lớn về thuế, đặc biệt trong thời kỳ thương mại điện tử toàn cầu. "Trong quá trình quản lý rủi ro, cơ quan thuế phải phân loại cá nhân, DN theo mức độ tuân thủ, xác định rủi ro với từng lĩnh vực, có biện pháp để quản lý riêng. Đây cũng là cách các quốc gia áp dụng, đưa quản lý rủi ro trở thành nội dung cơ bản trong quản lý thuế. Dù việc thực hiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành thuế sẽ từng bước quản lý tốt, khi có sự kết nối, kết hợp dữ liệu từ các tổ chức tín dụng, nền tảng số, các cơ quan quản lý" - bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Noguchi Daisuke, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khuyến nghị, cơ quan thuế tập trung nguồn lực thanh tra cho các DN có mức độ cần thanh tra cao. Về cách tiếp cận dựa trên rủi ro, cơ quan thuế Nhật Bản tập trung phân tích các yếu tố như tình hình quản trị thuế trong DN, nội dung hoạt động kinh doanh, nội dung kê khai, quyết toán, các vấn đề được chỉ ra trong thanh tra thuế và tình hình cải thiện. Trên cơ sở đánh giá đó, lựa chọn đối tượng thanh tra dựa trên rủi ro và phân bổ nguồn lực phù hợp…

Để cải thiện việc quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hoàng Quang Phòng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro theo hướng cập nhật, bổ sung các tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, diễn biến vi phạm luật thuế. Cạnh đó, áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro tiên tiến, khoa học hơn như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//tim-giai-phap-quan-ly-tuan-thu-thue-trong-nen-kinh-te-so-380890.html